Bốn cách tân Tổng thống Mỹ có thể thúc đẩy kinh tế toàn cầu

- Thứ Bảy, 23/01/2021, 05:26 - Chia sẻ
Mỹ không còn thống trị về kinh tế như cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, tân Tổng thống Joe Biden có thể thực hiện một số bước tương đối đơn giản mà mang lại lợi ích sâu rộng cho nền kinh tế Mỹ, người dân Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Không thể phủ nhận thực tế là vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã bị suy giảm đáng kể. Sau nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng nghi ngờ nghiêm trọng về độ tin cậy và giá trị của quốc gia được coi là siêu cường số một. Phản ứng thất bại của Chính quyền Donald Trump trong xử lý đại dịch Covid-19, bao gồm cả việc triển khai vaccine không hiệu quả, đã củng cố nhận thức về một chính phủ hoạt động thiếu hiệu quả. Cuộc nổi dậy ở Điện Capitol của những người ủng hộ ông Trump hôm 6.1 với mục tiêu ngăn cản Quốc hội chứng nhận chiến thắng bầu cử của ông Biden càng khẳng định những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế.

Nguồn: AFP

Ngay cả trên mặt trận kinh tế, Mỹ cũng không còn thống trị như một thập kỷ trước, chứ chưa nói đến một thế hệ trước. Thêm vào đó là thế đa số đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ “mỏng như dao lam”. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ khả năng của chính quyền Biden trong việc thực hiện các chính sách kinh tế gây tiếng vang tích cực trên toàn thế giới. Nhưng trên thực tế, ông Biden không cần sự chấp thuận của Quốc hội mới có thể thực hiện các biện pháp mang lại lợi ích sâu rộng cho người Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Tạm đình chỉ nghĩa vụ về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine

Đầu tiên là Mỹ nên chấp thuận đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ tạm thời một số yêu cầu sở hữu trí tuệ trong quá trình đối phó với đại dịch Covid-19. Đề xuất này do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra và được đồng bảo trợ bởi các quốc gia đang phát triển khác, nhằm giúp các nước có thể tiếp cận kịp thời các sản phẩm y tế giá cả phải chăng trong “phòng ngừa, ngăn chặn, hoặc điều trị” Covid-19.

Điều này phù hợp với các quy định của WTO: Hiệp định về Các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) dành quyền tự quyết cho các thành viên trong một số vấn đề nhằm giúp các nước thiết lập tiêu chuẩn quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo chính sách của các nước này trên cơ sở các quy định tùy nghi. Hơn nữa, WTO chỉ rõ các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là lý do thích hợp theo TRIPS để cấp giấy phép cho nhiều công ty sản xuất thuốc thiết yếu mà không bị ràng buộc bởi vấn đề sở hữu trí tuệ.

Nếu vaccine và thuốc điều trị Covid-19 có thể được sản xuất với giá thấp, sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, trong bối cảnh ngân sách công của nước này đang phải gồng lên trước các biện pháp kích thích kinh tế suốt một năm qua. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ lại là nước dẫn đầu các nền kinh tế tiên tiến trong phản đối đề xuất này. Điều đó chỉ có lợi cho nhóm lợi ích duy nhất: các công ty dược phẩm đa quốc gia.

Việc cho phép các công ty này giữ độc quyền bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 chỉ khiến đại dịch kéo dài, một viễn cảnh khá u ám đối với cả sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu Chính quyền Biden dẫn đầu các nền kinh tế tiên tiến ủng hộ việc đình chỉ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ trong bào chế vaccine, vô số sinh mạng sẽ được cứu sống và sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc.

Cho phép IMF phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt

Tương tự, Chính quyền Biden không cần sự chấp thuận của Quốc hội để cho phép Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt mới cho tất cả các nước thành viên. Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right - SDR) là tài sản bằng tiền mà các nước thành viên IMF nắm giữ trong dự trữ quốc tế của họ. Khác với các tài sản dự trữ khác, chẳng hạn vàng, SDR không có hình dạng vật chất cụ thể. Nó được chính IMF tạo ra và chỉ tồn tại dưới dạng các khoản mục kế toán trong một tài khoản đặc biệt do Quỹ quản lý. SDR có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước thành viên IMF với quỹ này cũng như trong thanh toán cán cân thương mại giữa các quốc gia. Vào tháng 4 năm ngoái, Mỹ đã chặn yêu cầu của IMF về một khoản phân bổ như vậy - trị giá 500 tỷ USD. Ấn Độ cũng đã chặn yêu cầu này, nhưng nếu Mỹ rút lại ý kiến ​​phản đối, Ấn Độ khó có thể từ chối vì thực tế Ấn Độ có rất ít quyền biểu quyết.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, khoản phân bổ 500 tỷ USD là không đủ; phân bổ 2 nghìn tỷ USD sẽ hiệu quả hơn nhiều để củng cố nền kinh tế toàn cầu đang ốm yếu. Tuy nhiên, ngay cả khoản SDR trị giá 500 tỷ USD ban đầu cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngắn hạn cho một loạt nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế đang đối mặt nợ nần.

Đánh thuế các công ty đa quốc gia

Việc làm thứ ba mà Chính quyền Biden có thể xúc tiến ngay là hợp tác với các quốc gia khác tạo ra một hệ thống toàn cầu hiệu quả để đánh thuế lợi nhuận các công ty đa quốc gia. Như Ủy ban độc lập về cải cách thuế doanh nghiệp quốc tế đã chỉ ra, điều này không khó thực hiện. Bước đầu tiên là đặt mức thuế doanh nghiệp hiệu quả tối thiểu là 25% trên toàn thế giới.

Phần lợi nhuận của một công ty bị đánh thuế ở một quốc gia cụ thể sẽ được xác định theo công thức bao gồm doanh số bán hàng, việc làm, người dùng (đối với các công ty kỹ thuật số) và vốn. Bằng cách đó, các công ty đa quốc gia không thể né tránh nghĩa vụ thuế bằng cách chuyển lợi nhuận được báo cáo một cách giả tạo sang các khu vực pháp lý có thuế thấp hơn.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng phản đối kịch liệt hành động đánh thuế công bằng các công ty đa quốc gia. Ví dụ, khi Pháp quyết định đánh thuế doanh thu của các công ty kỹ thuật số khổng lồ của Mỹ như Facebook, Apple và Google, nước này đã áp thuế trả đũa, cho rằng thuế này phân biệt đối xử với các công ty Mỹ. Chính quyền Biden nên có cách tiếp cận ngược lại, làm việc với các quốc gia khác để bảo đảm chiến thắng chung cho chính phủ và người dân trên toàn thế giới.

Trở lại Hiệp định Khí hậu Paris

Ông Biden đã thề rằng, vào ngày đầu tiên nhậm chức, chính quyền của ông sẽ ngay lập tức tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Và lời hứa đã được ông thực hiện. Bằng cách đó, Mỹ sẽ cam kết không chỉ đáp ứng các mục tiêu cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính mà còn hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.

Mặc dù Hiệp định Paris còn những hạn chế, nhưng hiện tại, đây là hy vọng tốt nhất của chúng ta trong việc phi carbon hóa nền kinh tế thế giới. Và ảnh hưởng của Mỹ là điều cần thiết để làm cho tiến trình này hoạt động. Trên thực tế, sau khi cựu Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định năm 2017, một số quốc gia khác cũng giảm bớt cam kết của họ. Tuy nhiên, gần đây hơn, các nền kinh tế lớn, từ Trung Quốc đến Liên minh châu Âu, đã đưa ra những cam kết mới đầy tham vọng. Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng bắt đầu nhận ra rằng việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh sẽ phục vụ lợi ích của chính họ.

Bằng cách trở lại Hiệp định Paris, Mỹ sẽ đẩy nhanh tiến độ toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ thêm cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Và bản thân nước Mỹ cũng sẽ nhận lại được những lợi ích to lớn của quá trình này.

Đạt Quốc