Chuyên mục: "Lời nói và Hành động"

Bộ Xây dựng - bước tiến trong “nâng cấp” công cụ quản lý

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:26 - Chia sẻ
Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII và XIV về giám sát, chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng dài 49 trang A4. Xét về số trang chắc nhiều nhất trong các bộ, ngành. Dày dặn như vậy bởi báo cáo tách bạch từng nhóm nhiệm vụ Quốc hội giao, trong đó nêu rõ những giải pháp đã thực hiện, kết quả đạt được, những hạn chế và đề xuất giải pháp thời gian tới. Hiếm bộ, ngành nào có một báo cáo bài bản, nghiêm túc và toàn diện như vậy!

Kiểm soát chặt việc lập, điều chỉnh quy hoạch

Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà mới có một lần trả lời chất vấn trực tiếp trên hội trường tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 6.2019). Tại phòng họp Diên Hồng, các đại biểu đã truy tới cùng những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đứng đầu ngành xây dựng và có cả những câu hỏi “ngoài tầm tay”. Qua phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, cử tri dễ dàng thấy Tư lệnh ngành xây dựng còn rất nhiều việc phải làm.

Quả vậy! Sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội ban hành Nghị quyết 83/2019/QH14 về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giao ngành xây dựng thực hiện 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những bất cập trong quản lý và tạo ra chuyển biến mạnh mẽ. Một trong số đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, gắn với giảm áp lực dân số nội đô, phù hợp với hệ thống hạ tầng.   

Liền sau đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 83 của Quốc hội. Hơn một năm qua, Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị nhằm hình thành hệ thống công cụ hoàn chỉnh để kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định 72/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 44/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng. Không chỉ quy định chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát các khâu của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, Nghị định 72 còn thắt chặt các điều kiện điều chỉnh quy hoạch và trình tự thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch.

Cùng với việc giao Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm “Đổi mới phương pháp lý luận về quy hoạch và phát triển đô thị”, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN:01/2019-BXD về Quy hoạch xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020; rà soát, tiến tới sửa đổi Thông tư 12/2016/TT-BXD về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù để thống nhất với Nghị định 72.

Đáng chú ý, để tránh cho người dân "bất ngờ" về quy hoạch, Bộ Xây dựng đã vận hành Cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia, bước đầu các địa phương đăng tải công khai gần 400 đồ án quy hoạch. Bộ Xây dựng cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, nhà ở và bất động sản để chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương thực hiện; chỉ đạo các đơn vị của Bộ nâng cao chất lượng lập, thẩm định các quy hoạch do Bộ đảm nhận.

Nhờ đó, công tác tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch được quan tâm hơn và có một số chuyển biến tích cực. Chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được cải thiện, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã cơ bản phủ kín trên phạm vi cả nước. Tính đến hết tháng 3.2020, Thủ tướng đã phê duyệt 17 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, 18 khu kinh tế ven biển, 17 khu kinh tế cửa khẩu, 3 khu công nghệ cao. Tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đạt 100%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 78% (tăng 6% so với năm 2015); quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% (tăng 5% so với năm 2015); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,6%.

Tuy vậy, Bộ Xây dựng thừa nhận công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương vẫn hội tụ “3 chưa”: chưa tính toán đầy đủ nguồn lực thực hiện; chưa gắn kết giữa các cấp độ và loại hình quy hoạch; chưa gắn kết việc thực hiện quy hoạch với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm… Những bất cập này rõ ràng cần thêm nhiều thời gian hơn để khắc phục và quan trọng là Bộ Xây dựng đã xác định rõ 9 nhóm giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để nâng cao chất lượng quy hoạch như yêu cầu của Quốc hội.

Tinh gọn danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn

Một công cụ quản lý quan trọng khác của Bộ Xây dựng là các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, hệ thống định mức và đơn giá. Theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 83, đến năm 2021, Bộ phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng. Trong năm 2019, ban hành 3 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, nhà chung cư, an toàn cháy nổ cho nhà và công trình.

Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc lập Danh mục hệ thống quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực xây dựng theo hướng tinh gọn, đồng bộ, dễ thực hiện với 13 quy chuẩn, giảm 3 quy chuẩn so với trước. Dự kiến các quy chuẩn trên được ban hành trong khoảng từ năm 2019 đến năm 2022. Riêng năm 2019 đã ban hành 4 quy chuẩn, vượt yêu cầu của Nghị quyết 83. Cùng với đó, Bộ đã cơ bản hoàn thiện Định hướng hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực xây dựng. Dự kiến, hệ thống này gồm khoảng 150 TCVN cốt lõi, được ban hành lần lượt từ năm 2021 đến năm 2025.

Đặc biệt, Bộ đã rà soát toàn bộ hơn 16.000 định mức xây dựng, qua đó loại bỏ gần 1.783 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 6.675 định mức, bổ sung 1.375 định mức. Sau khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ ban hành 10 thông tư hướng dẫn các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng với tinh thần bảo đảm cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp hơn với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống quy chuẩn mới không chỉ loại bỏ những quy chuẩn không còn cần thiết mà quan trọng là tập trung điều tiết về an toàn, bao quát các vấn đề bảo đảm sức khỏe, tiện nghi; đồng thời đặt ra yêu cầu về tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, không đi sâu vào chất lượng công trình để tránh cản trở đầu tư. Vì vậy, hệ thống quy chuẩn mới sẽ góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong các hoạt động xây dựng, bảo đảm mục tiêu an toàn cho con người và tài sản, bảo vệ môi trường.

Tương tự, các doanh nghiệp cho rằng việc loại bỏ và sửa đổi, bổ sung các định mức xây dựng bảo đảm tính đúng tính đủ, phù hợp với thực tiễn và đóng góp rất lớn cho hiệu quả dự án. Vì các định mức lạc hậu dẫn đến việc vận dụng lệch lạc do vô tình hoặc cố ý. Nếu dùng công nghệ mới mà áp dụng định mức cũ thì có thể làm giá thành dự án tăng gấp nhiều lần.

Nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc “nâng cấp” các công cụ quản lý có thể chưa tạo ra ngay chuyển biến đột phá nhưng chắc chắn đặt nền móng vững chắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tương lai.

Hà Lan