Bố trí đủ đại biểu chuyên trách làm Trưởng, Phó các ban

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:53 - Chia sẻ
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu, theo thường trực HĐND tỉnh Điện Biên, quá trình chuẩn bị nhân sự của HĐND, cần coi trọng việc lựa chọn, giới thiệu những đại biểu "đủ đức, đủ tài", có trình độ, năng lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Quan tâm giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa chất lượng, số lượng đại biểu, cơ cấu và tiêu chuẩn; chất lượng đại biểu là gốc. Đặc biệt, phải quan tâm bố trí đủ đại biểu chuyên trách làm Trưởng, Phó các Ban HĐND.

Tăng cường tập huấn, cung cấp thông tin

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Điện Biên có 51 đại biểu. Trong đó, có 17 đại biểu tái cử, chiếm tỷ lệ 33,3%. Để đại biểu HĐND tỉnh phát huy được trí tuệ, nâng cao năng lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ do cử tri, Nhân dân giao phó; ngay từ đầu nhiệm kỳ, thường trực HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh; bồi dưỡng theo chuyên đề về kinh tế, ngân sách, xây dựng cơ bản, thi hành pháp luật; lựa chọn, tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND 2 cấp tỉnh, huyện, tập trung vào các chủ đề được đa số đại biểu quan tâm; tạo điều kiện, cử đại biểu chuyên trách, đại biểu cơ sở tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, cung cấp thông tin và các điều kiện cần thiết cho đại biểu khai thác, nghiên cứu…

Thường trực HĐND tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch và phân công các đại biểu HĐND tiếp công dân định kỳ và thường xuyên, giúp cho đại biểu có điều kiện tìm hiểu sâu, nắm kỹ, cụ thể các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân và việc giải quyết của các cơ quan, người có thẩm quyền. Hoạt động TXCT của đại biểu HĐND được thực hiện bảo đảm theo đúng quy định, giúp đại biểu thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, trả lời cử tri; một số đại biểu HĐND đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử; đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết…

Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên khảo sát tình hình phát triển du lịch trên địa bàn

Ảnh: Ngọc Quyên 

Bảo đảm số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách

Tuy nhiên, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số đại biểu, phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử chưa nhiều; một số đại biểu chưa thực sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, nhất là trong chất vấn, giám sát, giải trình, TXCT… Nguyên nhân do một số đại biểu chưa chủ động nghiên cứu, dành thời gian cho hoạt động của HĐND; lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan với nhiệm vụ đại biểu dân cử; còn tâm lý nể nang, thiếu tự tin, ngại va chạm. Ngoài ra, chưa có cơ chế giám sát và đánh giá kết quả hoạt động của mỗi đại biểu hằng năm…

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, theo thường trực HĐND tỉnh Điện Biên, quá trình chuẩn bị nhân sự của HĐND cần phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy; coi trọng việc lựa chọn, giới thiệu những đại biểu "đủ đức, đủ tài", được rèn luyện thử thách trong thực tiễn và có khả năng tiếp thu, vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước vào cuộc sống; có trình độ, năng lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Phải giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa chất lượng, số lượng đại biểu, cơ cấu và tiêu chuẩn; chất lượng đại biểu là cái gốc, cái căn bản, để đại diện được cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Đặc biệt, phải quan tâm bố trí đủ đại biểu hoạt động chuyên trách làm Trưởng, Phó các Ban HĐND.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, thường trực HĐND tỉnh cần có kế hoạch cụ thể tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND bằng nhiều hình thức như: Hội thảo, tập huấn theo chuyên đề, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND… Tăng cường phối hợp với Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, nhất là các kỹ năng có tính chất đặc thù và cần thiết đối với hoạt động của người đại biểu như: Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng TXCT, giám sát, chất vấn, thẩm tra… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu thực hiện tốt vai trò của người đại biểu dân cử.

Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp báo chí, các tài liệu, nhất là tài liệu liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước để đại biểu nghiên cứu, cập nhật thông tin, nắm vững chế độ chính sách bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, thường xuyên xem xét, điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối với hoạt động của thường trực, các Ban, đại biểu HĐND; bố trí phương tiện, kinh phí kịp thời đáp ứng đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các hoạt động của đại biểu HĐND. Có chế độ khen thưởng hằng năm, cả nhiệm kỳ đối với những đại biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động của HĐND. Quan tâm điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đối với đại biểu.

LÊ HOA