Bổ sung các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 15:53 - Chia sẻ
Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế tổ chức sáng 26.11, tại nhà Quốc hội. Đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội đồng chủ trì Hội thảo.

Rào cản hiến tạng từ chính các quy định

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội Khoá XI thông qua ngày 29.11.2006. Luật được ban hành tạo cơ sở hành lang pháp lý đầu tiên cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và vận động người dân hiến tặng mô, tạng ở nước ta. Đồng thời, đến sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức của nhiều người trong việc đăng ký và hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh cho những người bệnh khác; thúc đẩy ngành ghép mô, tạng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thực hiện pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý phát biểu tại hội thảo

Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, theo quy định tại Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chỉ người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu một người chưa đủ 18 tuổi thì không có quyền đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hay hiến tặng sau khi chết não và cũng không tiếp nhận được tạng của người hiến tặng nếu xác định chết não và dưới 18 tuổi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, thời gian qua, một số trường hợp chẩn đoán chết não nhưng người chết não chưa đủ 18 tuổi nên không thể tiếp nhận mô, tạng của người chết não đó. Điều này không đáp ứng tâm nguyện của gia đình người chết não là còn được nghe nhịp đập trái tim hay lá phổi... của con mình trong lồng ngực của ai đó như một sự hiện hữu tiếp diễn trên cuộc đời này sau khi đã hiến tạng. “Chính quy định này gây lãng phí nguồn tạng hiến tặng cũng như không đáp ứng được tâm nguyện của gia đình người chết não” – ông Phúc nói.

Không chỉ vướng mắc về giới hạn độ tuổi người hiến, một số chế độ cho người hiến cả người hiến sống và người hiến sau khi chết não chưa đầy đủ và hợp lý.

Theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, người đã hiến sống được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế. Tuy vậy, Luật hiện hành lại không quy định kinh phí sẽ được lấy từ nguồn nào? từ ngân sách Nhà nước (quỹ riêng) hay thông qua BHYT? Mặt khác, Luật Bảo hiểm y tế cũng không có nội dung nào quy định về thanh toán chi phí cho việc sàng lọc, thăm khám, chuẩn bị trước, trong khi hiến cũng như phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi hiến.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia

Theo quy định, kinh phí để xét nghiệm cho quá trình hiến tạng do người tình nguyện hiến tặng chi trả, cho dù người đó có thẻ BHYT cũng không được thanh toán đầy đủ, đồng bộ. Ngoài ra, cơ sở y tế cũng không có kinh phí để thanh toán cho mục chi này. “Đây là một “lỗ hổng” về chính sách, pháp luật để khuyến khích đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống” – ông Phúc nhận định.

Ngăn chặn biến tướng mua – bán tạng

Tính đến 30.9.2021, Việt Nam có 6.113 ca ghép tạng, trong đó, 5.729 ca ghép thận, 316 ca ghép gan, 54 ca ghép tim, 1 ca ghép khối thận - tụy, 1 ca ghép ghép khối tim - phổi, 8 ca ghép phổi, 2 ca ghép ruột và 2 ca ghép chi trên. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn quá ít, có tới 93,85% nguồn tạng ghép từ nguồn cho sống.

GS.BS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia 

Hiện nay, người hiến khi còn sống, việc kiểm tra sức khỏe và phục hồi sau khi hiến luôn cần người nhà bênh cạnh chăm sóc. Người nhà người hiến cũng cần kinh phí để ăn, ở, đi lại...  phục vụ cho việc chăm sóc người hiến. Mặc dù vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định về chế độ cho người nhà chăm sóc cho người hiến. Trong khi đó, các cơ sở ghép tạng không có kinh phí đó, nên khoản kinh phí này thông thường sẽ do gia đình người nhận chịu trách nhiệm. Chính điều này, vô hình dung đã làm cho việc hiến tặng mất đi ý nghĩa nhân văn, cứu người, dễ bị biến tướng thành câu chuyện trao đổi, mua bán tạng.

Để khắc phục những tồn tại bất cập, để không lãng phí nguồn tạng cũng như khuyến khích việc hiến tạng vì mục đích nhân đạo, nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, tạng và hiến, lấy xác.

Thực tế cho thấy, các thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi ngày càng trưởng thành. Nếu họ mong muốn thể hiện tâm nguyện nếu không may chết não sẽ hiến tặng mô, tạng thì cần quy định cho phép việc đăng ký hiến tặng mô, tạng nhưng phải được sự đồng ý của gia đình hoặc người bảo lãnh cùng ký vào đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, Luật sửa đổi cần theo hướng mở rộng độ tuổi đối với người hiến tặng mô, tạng chết não. Nghĩa là bất kỳ người nào nếu chết não, dù dưới 18 tuổi được gia đình xác quyết là khi còn sống, người đó có nguyện vọng hiến tặng mô, tạng nếu chẳng may qua đời.

Tuy nhiên, đối với người hiến khi còn sống, bên cạnh quy định độ tuổi từ đủ 18 đối với người hiến tặng cùng huyết thống, cần bổ sung quy định mở rộng điều kiện độ tuổi đối với người hiến tặng không cùng huyết thống. Theo đó, cần nâng cao độ tuổi hiến tặng lên 30 hoặc 35 tuổi, bởi ở độ tuổi này người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, do đó với quy định này, cũng sẽ góp phần hạn chế tình tạng mua bán tạng hiện nay.

TS.BS Đinh Văn Lượng – Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề nghị cần có chế độ bảo hiểm y tế đặc thù cho nhóm bệnh nhân chờ ghép phổi

Ngoài ra, để tăng cường số người hiến tặng mô, tạng vì mục đích nhân đạo, vì lợi ích của cộng đồng và góp phần chống lại hiện tượng mua bán nội tạng gây bất ổn cho xã hội, cần có quy định tôn vinh xứng đáng sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của người đã hiến mô, tạng khi còn sống và hiến sau khi chết não, cần bổ sung thêm các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng.

Quang cảnh hội thảo

Theo đó, “người hiến mô tạng được thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng. Được thanh toán toàn bộ chi phí chuẩn bị, phẫu thuật lấy mô, tạng, chi phí chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến tặng và chi phí định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất; được bồi dưỡng một phần vật chất để hồi phục sức khỏe sau khi đã hiến tặng mô, tạng như quy định trong hiến máu nhân đạo và phần vật chất này được trích từ ngân sách Nhà nước qua Quỹ hỗ trợ người hiến tặng mô, tạng do Nhà nước thành lập hoặc từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng” – ông Phúc đề xuất.

Trong khi đó, TS.BS Đinh Văn Lượng – Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề nghị cần có chế độ bảo hiểm y tế đặc thù cho nhóm bệnh nhân chờ ghép phổi. Bởi đây là nhóm bệnh nhân nặng, mạn tính, nhiều bệnh kết hợp. Nhiều xét nghiệm sàng lọc trước ghép chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Phần lớn chi phí đều do gia đình bệnh nhân phải tự chi trả. Đây là rào cản lớn đối cho các bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. Do đó, cần có kế hoạch phối hợp giữa các bên bao gồm BHYT, bảo hiểm tự nguyện, sự hỗ trợ của các ban ngành và các nguồn xã hội hóa để người bệnh thực sự có nhu cầu ghép phổi có thể tiếp cận được với kỹ thuật này.

Hà An