Bỏ phiếu bất tín nhiệm

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 06:42 - Chia sẻ
Bỏ phiếu bất tín nhiệm là hình thức giám sát hiệu quả nhằm hạn chế nguy cơ lạm quyền của cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, hiệu quả của quyền lực này phụ thuộc vào cách thức cơ quan hành pháp được thành lập cũng như tùy thuộc vào mô hình chính thể của từng nước.

Đối với các chính thể đại nghị, vũ khí mạnh nhất của Nghị viện trước cơ quan hành pháp là quyền thay đổi Chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc yêu cầu Chính phủ phải nhận được sự tín nhiệm của Viện Dân biểu là nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp (không thành văn) của Anh. Đặc biệt, bỏ phiếu bất tín nhiệm càng quan trọng khi Chính phủ không chiếm đa số trong Hạ viện, hoặc khi có bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm không cần phải Thượng viện hay Nữ hoàng phê chuẩn. Nếu bị Hạ viện bất tín nhiệm, hoặc Chính phủ Anh sẽ bị lật đổ hoặc Hạ viện có thể bị giải tán để bầu cử một Hạ viện mới, từ đó hình thành nên một Chính phủ mới.

Một số học giả cho rằng, ý nghĩa thực sự của cơ chế này không phải ở chỗ Chính phủ có bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không, mà ở chỗ, nó buộc nhiệm kỳ Chính phủ phải bảo vệ mình bằng cách giải trình về các chính sách trước chính những Nghị viện, rộng hơn là trước cử tri cả nước. Bởi trên thực tế, khó có thể hy vọng Nghị viện sẽ biểu quyết ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ, vì đảng cầm quyền thường có đa số trong nghị viện, cộng với kỷ luật đảng chặt chẽ ở Anh cho phép đảng vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Một phiên họp của Quốc hội Pháp

Nguồn: ITN 

Quy định của Hiến pháp Đức về bỏ phiếu bất tín nhiệm là biểu hiện của sự cân bằng quyền lực chính trị giữa Chính phủ và Nghị viện. Nó chứng minh trước hết sự lệ thuộc của Chính phủ vào Nghị viện và khả năng hoạt động của Chính phủ được bảo đảm bởi đa số ủng hộ Chính phủ ở Nghị viện. Với ý nghĩa này, bỏ phiếu bất tín nhiệm là công cụ giám sát mạnh nhất của Nghị viện. Điểm đặc biệt của quy định này là bất tín nhiệm Thủ tướng hiện hành phải gắn với bầu Thủ tướng mới. Theo Hiến pháp Đức, Hạ viện chỉ có thể thảo luận về bất tín nhiệm đối với Thủ tướng khi Hạ viện thống nhất về người thay thế Thủ tướng hiện hành. Sự ràng buộc này một mặt nhằm bảo đảm vị trí Thủ tướng không bị khuyết, giúp hoạt động của Chính phủ không gián đoạn, duy trì sự ổn định. Nhưng mặt khác, điều này gây khó khăn đối với việc thay đổi Chính phủ trong nhiệm kỳ Nghị viện. Đây được gọi là kiến nghị bỏ phiếu bất nhiệm có tính chất xây dựng.

Quốc hội Pháp có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ. Theo Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, toàn thể Quốc hội Pháp (gồm 2 Viện) thiết lập một Tòa án tối cao để xem xét một lý do duy nhất dẫn tới việc bãi nhiệm Tổng thống Pháp. Đó là việc rõ ràng không thực hiện nghĩa vụ dẫn tới không thể tiếp tục đương nhiệm. Việc bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín với tỷ lệ ít nhất 2/3 số phiếu tán thành. Người đứng đầu Chính phủ Pháp có thể bị bãi nhiệm bởi Tổng thống. Ông ta có thể phải từ chức nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Pháp có thể được thực hiện dưới hai hình thức: do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng hoặc do các đại biểu Quốc hội khởi xướng bằng hình thức khiển trách (còn gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm).

Trình tự bỏ phiếu tín nhiệm do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng được tiến hành như sau: Cá nhân Thủ tướng Chính phủ có thể tuyên bố đưa một chương trình hoặc toàn bộ chính sách của Chính phủ để lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Chương trình hoặc toàn bộ các chính sách của Chính phủ sẽ được Quốc hội thảo luận và kết thúc bằng việc bỏ phiếu. Cách thức tiến hành nội dung này được tổ chức theo hướng chia đều thời gian thảo luận cho các nhóm chính trị (không phân biệt số lượng thành viên) và mỗi nhóm sẽ cử ra một người phát ngôn chính thức giải thích về lá phiếu của nhóm mình. Nếu được đa số tuyệt đối trong Quốc hội tán thành, Thủ tướng Chính phủ được coi là đã vượt qua kỳ bỏ phiếu tín nhiệm này. Ở Pháp, Tây Ban Nha cũng như đa số các nước châu Âu, việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội chủ yếu do Chính phủ khởi xướng.

Hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm được Quốc hội tiến hành do các nghị sĩ khởi xướng. Trình tự tiến hành được thực hiện theo hướng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm phải được đệ trình bởi ít nhất 1/10 tổng số nghị sĩ. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng hình thức này, pháp luật quy định mỗi nghị sĩ chỉ được ký vào nhiều nhất là ba yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm trong một phiên họp thường kỳ và một yêu cầu trong một phiên họp bất thường. Ở Pháp, rất dễ để có thể thu thập được chữ ký của 1/10 số lượng nghị sĩ do họ sinh hoạt theo các đảng phái chính trị và yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu của cả đảng đó. Việc thảo luận trước khi bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng là yêu cầu bắt buộc và được tiến hành tương tự như hình thức bỏ phiếu tín nhiệm do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng. Quốc hội Pháp cũng đề ra cơ chế để hỗ trợ Chính phủ trong việc bỏ phiếu bất tín nhiệm: thứ nhất, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ được diễn ra 48 giờ sau khi kết thúc thảo luận tại Quốc hội; thứ hai, chỉ có những đại biểu ủng hộ việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Chính phủ tham gia bỏ phiếu và Thủ tướng Chính phủ chỉ được coi là bị bất tín nhiệm khi đa số tuyệt đối thành viên Quốc hội tán thành.

Quỳnh Vũ