Bộ Giao thông - Vận tải tổng kết năm với nhiều điểm sáng

- Thứ Năm, 24/12/2020, 18:13 - Chia sẻ
Ngày 24.12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 và  giai đoạn 2021 - 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị  

Cắt giảm 384 điều kiện kinh doanh, hoàn thành hơn 1.074km đường bộ cao tốc

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, ngành GT-VT đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 dự án Luật, cho ý kiến 1 dự án Luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 Nghị định, 11 Quyết định, phê duyệt 15 đề án trong tổng số 22 đề án đã trình. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 232 thông tư, phê duyệt 29 đề án. Bộ đang triển khai lập 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch vào Quý II năm 2021.

Về công tác cải cách hành chính, Bộ đã kiện toàn, tinh giảm 130 đầu mối trong tổng số 1.118 tổ chức; phê duyệt phương án cắt giảm 35 thủ tục, đơn giản hóa 166 thủ tục hành chính, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 67,36%). Đã có 254 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, 4 và hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt trong công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ báo cáo kết quả ngành GT-VT năm 2020 và giai đoạn 2016-2020  

Bên cạnh kết quả xây dựng thể chế, năm 2020 Bộ GT-VT cũng hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng, 20.617,8 triệu lượt hành khách. Đặc biệt, lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Hiện nay, hai tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận đang được triển khai. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Liên Khương - Đà Lạt. Tính đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011- 2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ GT-VT cũng đã tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; triển khai các dự án các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các sân bay được xây dựng mới gồm: Phú Quốc, Vân Đồn,… nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm; Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm; dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu,…

Toàn cảnh Hội nghị  

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Cùng với đó, từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%. Năm 2020, số vụ TNGT giảm 18,26%, số người chết giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52%. Đặc biệt, Bộ GT-VT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP tạo chuyển biến trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải.

Công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn. Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn luôn được Bộ chủ động từ công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các nguồn lực, triển khai kịp thời công tác ứng phó, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Bảo đảm giao thông thông suốt trong tất cả các lĩnh vực giao thông. Kết quả trên khẳng định các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT triển khai và tổ chức thực hiện trong giai đoạn vừa qua là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.

Năm 2021 phấn đấu giải ngân hơn 46 nghìn tỷ đồng

Năm 2021 và  giai đoạn 2021 - 2025, ngành GT-VT đề ra mục tiêu sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; tập trung ưu tiên sửa chữa bảo trì trên các tuyến đường trọng yếu như QL.1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ khác có lưu lượng xe tăng trưởng cao; vận chuyển hành khách tăng từ 5-6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7-8% so với năm 2020; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với năm 2020 ở cả 3 tiêu chí; chủ động xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực công tác; hoàn thành kế hoạch đầu tư công với số vốn giải ngân dự kiến là 46.005 tỷ đồng.

Nhờ áp dụng nhiều biện pháp, lập các chốt kiểm soát đo nồng độ cồn lái xe nên tai nạn giao thông giảm sâu 3 tiêu chí  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai gây ra cũng như khó khăn riêng của ngành GT-VT trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. “Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà công tác xây dựng Chính phủ điện tử, tái cơ cấu doanh nghiệp và các nhiệm vụ khác ngành GT-VT cũng đạt kết quả khả quan”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu năm 2021 và giai đoạn tới, ngành GT-VT tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng hàng không, cảng biển, đường thuỷ nội địa, đường sắt quốc gia chuẩn bị cho các đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông liên kết vùng. Bộ GT-VT nhanh chóng triển khai chương trình hành động, hoàn thiện thể chế, liên quan đến phát triển GT-VT toàn diện; khẩn trương rà soát hoàn thành quy hoạch giao thông đảm bảo chất lượng; tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng hoàn thiện kế hoạch đầu tư xây dựng trung hạn cũng như tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn cụ thể; đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao tính kết nối, phát triển dịch vụ logicstics; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn…

Chí Tuấn