Bộ Giao thông Vận tải - những thách thức phía trước

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:33 - Chia sẻ
Nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải từ tháng 10.2017, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã 2 lần trả lời chất vấn trực tiếp trước diễn đàn Quốc hội Khóa XIV. Lần đầu tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 6.2018) và lần 2 tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 6.2019). Mật độ này khá dày so với các “tư lệnh ngành” khác, cho thấy lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều vấn đề nóng, được các ĐBQH đặc biệt quan tâm.

Ba năm trước, khi “quay về” Bộ Giao thông Vận tải nắm giữ cương vị cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao bởi ông hình dung rõ rất nhiều thách thức đang chờ phía trước.

Nhiệm vụ của người đứng đầu một ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, một lĩnh vực đang là “điểm nghẽn” nhưng lại đứng trước yêu cầu phải đi trước để tạo đột phá cho công cuộc phát triển kinh tế không bao giờ “nhẹ nhàng”, nhất là trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Ngân sách nhà nước eo hẹp, nợ công ngấp nghé “trần” Quốc hội ấn định, vốn ODA ngày càng đắt đỏ, huy động vốn từ xã hội gặp khó khăn sau “làn sóng” phản đối BOT trên cả nước. Bối cảnh ấy khiến cho nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông lúc nào cũng thiếu thốn, dù “khéo ăn, khéo co” đến đâu cũng khó mà “no, ấm” được.

Cơ cấu thị phần vận tải chuyển dịch tích cực

Trong khả năng của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và ngành giao thông vận tải đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong 2 Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (Nghị quyết số 63/2018 và Nghị quyết số 83/2019). Theo ghi nhận của Ủy ban Kinh tế (trong Báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII), Bộ đã triển khai tổ chức lập các quy hoạch ngành quốc gia trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Trong quá trình này sẽ ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cân đối nguồn lực để đầu tư hiệu quả hệ thống giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Cùng với đó, Bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31.12. 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.1.2020 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử.

Trong quản lý hoạt động vận tải, một kết quả nổi bật đó là cơ cấu thị phần vận tải có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể, đối với vận tải hành khách, thị phần vận tải hàng không năm 2019 đạt 31,4%, tăng khoảng 10% so với năm 2011 trong khi thị phần vận tải đường bộ đạt 65,6% giảm khoảng 6,1%. Đối với vận tải hàng hóa, thị phần vận tải đường thủy nội địa năm 2019 gần đạt 20%, tăng 4% so với năm 2011, nhưng thị phần vận tải đường bộ vẫn tăng khoảng 8%, trong khi thị phần vận tải biển giảm khoảng 10%.

Chất lượng của tất cả các phương thức vận tải đều có sự cải thiện ở mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, sản lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển chiếm tỷ trọng trên 50% tổng sản lượng hàng hóa luân chuyển cả nước, đáp ứng 100% nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển và khoảng 90% khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu (gồm cả hàng vận chuyển trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ) nhờ: Hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ theo quy hoạch; đội tàu biển từng bước được cơ cấu theo hướng hiện đại, chuyên dùng, có trọng tải lớn (tàu container, hàng rời, hàng lỏng); chú trọng kết nối với các phương thức vận tải khác, nhất là với đường thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ; cải thiện chất lượng dịch vụ tại cảng biển và dịch vụ hậu cần (logistics). Vận tải hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải nội địa tăng nhanh, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không trong nước và với các phương thức vận tải khác, tiếp tục mở rộng mạng đường bay trong nước và quốc tế, gia tăng dịch vụ hàng không giá rẻ, giảm được tình trạng chậm hủy chuyến, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không... Khối lượng vận tải hàng không năm 2019 đạt 77,9 triệu khách, tăng gấp 5 lần năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.  

Chìa khóa phát triển hạ tầng giao thông

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngành có 48 công trình, dự án trọng điểm, hiện đã khai thác 24 công trình. Việc đưa các công trình quy mô lớn, bảo đảm chất lượng vào sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực dự án đi qua. Trong số 24 dự án chưa hoàn thành, có 12 dự án đang thi công và 12 dự án đang chuẩn bị triển khai. Kể từ năm ngoái đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung hoàn thành, khởi công xây dựng một số dự án lớn như: tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2; hầm Cù Mông thuộc tổ hợp hầm Đèo Cả; cầu Vàm Cống; cảng Lạch Huyện; khởi công 3 đoạn đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam. Bộ cũng đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về giai đoạn 1 đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành phê duyệt điều chỉnh 2 dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Công tác giải phóng mặt bằng và thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán nhằm chuẩn bị triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt...

Tuy vậy, việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông đang gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu; cơ chế giải ngân phức tạp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hạn chế; quá trình chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc… Đây là một trong những thách thức lớn của ngành giao thông vận tải trong thời gian tới.

Liên quan đến phương án đầu tư phát triển vận tải đường sắt, tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hoàn thiện báo cáo về hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam, để có thể trình Quốc hội Khóa XV ngay kỳ họp đầu tiên. Hiện nay, trên cơ sở 7.000 tỷ đồng được bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt 4/4 dự án đường sắt quan trọng nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và đang triển khai lập thiết kế bản vẽ thi công. Theo “gợi ý” của Ủy ban Kinh tế, đối với phương án đầu tư phát triển vận tải đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm hơn nữa đến việc lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên và có tiêu chí cụ thể phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết, liên thông trong cả hệ thống quy hoạch.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của ngành là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả dịch vụ vận tải công cộng. Hiện trên địa bàn Hà Nội mạng lưới tuyến xe buýt vận chuyển khoảng 453,6 triệu lượt khách/năm, đảm nhận 8,1% nhu cầu đi lại; trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mạng lưới xe buýt vận chuyển bình quân 306 triệu lượt khách/năm, đáp ứng được 4,1% nhu cầu đi lại. Những con số này cần có bước nhảy vọt!

Theo các chuyên gia, vốn cho hạ tầng giao thông của Việt Nam đang ở một mức rất cao so với GDP. Khả năng gia tăng tỷ lệ này là rất khó! Vì thế, chìa khóa then chốt để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới là cần nâng cao hiệu quả vốn ngân sách dành cho giao thông. Điều này Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dường như đã nhận thấy, bởi ông đã và đang triển khai những giải pháp hợp lý để cải thiện tình hình. Rõ nhất là Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp cử cán bộ đến hiện trường những dự án trọng điểm để phối hợp cùng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đôn đốc tiến độ, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. “Rút kinh nghiệm” từ các dự án lớn, Bộ đã ban hành thêm các văn bản áp dụng với các dự án trọng điểm như: Sổ tay hướng dẫn thực hiện Dự án; Quy định kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; Mẫu hồ sơ nghiệm thu, quy trình thủ tục nghiệm thu thanh toán và nghiệm thu hoàn thành công trình...

Khi những khó khăn cơ bản đã bắt đầu được nhận ra và những giải pháp hợp lý đang được triển khai, mục tiêu tạo dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại cho Việt Nam có thể sẽ sớm đạt được như mong đợi!

Tiểu Phong