Bình Thuận sẵn sàng cho ngày hội lớn!

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:23 - Chia sẻ
Đến thời điểm hiện tại, các nội dung quan trọng chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở Bình Thuận đang được hoàn tất. "Chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của đất nước!” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh chia sẻ.

Bảo đảm cả chất và lượng!

- Chưa đầy 20 ngày nữa cả nước sẽ bước vào “ngày hội lớn”, ông có thể cho biết kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chốt danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH Khóa XV và HĐND các cấp tại Bình Thuận?

- Việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách những người ứng cử ĐBQH Khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả tốt, bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định. Danh sách gồm 10 người tại địa phương ứng cử ĐBQH, 87 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 561 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 5.059 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

- Bình Thuận làm thế nào để có được danh sách người ứng cử bảo đảm cả cơ cấu, thành phần và chất lượng?

- Để có được danh sách người ứng cử bảo đảm số lượng và chất lượng, Bình Thuận đã bám sát các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Trung ương; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng để thực hiện việc phân bổ cơ cấu, phát huy dân chủ trong quá trình giới thiệu nhân sự ứng cử, chuẩn bị và tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương.

Nhân sự ứng cử ĐBQH Khóa XV và HĐND các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật để đảm nhiệm vai trò của người đại biểu dân cử; đồng thời, phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, trước hết phải đạt sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Không đưa vào danh sách ứng cử những người có biểu hiện tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị hoặc đang bị thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những người không gắn bó với nhân dân.

- Tới đây, các ứng cử viên bắt đầu tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng bước vào giai đoạn nước rút. Kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ sắp tới của Bình Thuận như thế nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn nước rút này, tỉnh sẽ tập trung chuẩn bị tốt công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp vận động bầu cử. 

Cùng với đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử; khẩn trương lập và niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH Khóa XV và HĐND các cấp theo từng đơn vị bầu cử; niêm yết danh sách cử tri; in ấn biểu mẫu, tài liệu và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí và bố trí thùng bỏ phiếu ở các điểm bầu cử chu đáo, trang trọng.

Tỉnh cũng tăng cường giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử; xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh và phương án bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn trên địa bàn toàn tỉnh trong ngày diễn ra cuộc bầu cử.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận

Để dân rõ quyền và trách nhiệm

- Vấn đề thông tin, tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng để bảo đảm thành công của cuộc bầu cử. Xin ông cho biết, công tác tuyên truyền đã và đang được tỉnh chỉ đạo triển khai ra sao?

- Các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề cụ thể như: vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp; nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; quyền bầu cử và ứng cử của công dân; trách nhiệm của cử tri; số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử và quan trọng nhất là tuyên truyền về ngày bầu cử, địa điểm bầu cử để mọi cử tri đều được biết.

Các cơ quan chức năng và các địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó chú ý các hình thức cổ động trực quan sinh động.

Tại hội nghị góp ý của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND đã có nhiều cử tri tham dự, lắng nghe, góp ý và bày tỏ nguyện vọng. Điều đó chứng tỏ công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử bước đầu đạt hiệu quả tốt.

- Với một tỉnh có địa bàn đa dạng (biển đảo, miền núi), đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bình Thuận, làm thế nào để đưa đầy đủ thông tin về người ứng cử cũng như về cuộc bầu cử đến với cử tri, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân?

- Tại các cuộc họp giao ban về công tác bầu cử và trong quá trình kiểm tra công tác bầu cử, Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh luôn nhắc nhở, đôn đốc các địa phương phải thông tin đầy đủ, kịp thời cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển, là những đối tượng khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, Mặt trận, đoàn thể bám sát quy trình bầu cử, đặc điểm văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân ở từng vùng để đưa nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri để bà con hiểu. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh của các địa phương cũng tăng cường thời lượng thông tin về bầu cử bằng tiếng dân tộc. Ủy ban Bầu cử các huyện cũng chỉ đạo các xã thuần hoặc đông đồng bào dân tộc thiểu số cử cán bộ trực tiếp đến nói chuyện nắm bắt xem bà con cần gì, còn thiếu thông tin gì để giải thích, giới thiệu cho bà con nắm, hiểu rõ thông tin về cuộc bầu cử. 

- Xin cảm ơn ông!

Thái Bình