Bình Thuận: Kinh nghiệm từ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

- Thứ Ba, 28/12/2021, 18:01 - Chia sẻ
Tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp luôn là vấn đề nóng trên cả nước thời gian qua. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, trong năm 2021 đã tiếp nhận 5 đơn yêu cầu về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và đã rút ra những kinh nghiệm trong giải quyết lĩnh vực này.

Sau khi nhận và nghiên cứu, xử lý đơn, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chuyển thông tin cho các Đội trực thuộc phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật theo đơn yêu cầu, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, các Đội đã triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; thu thập, thẩm tra, xác minh thông; xây dựng phương án kiểm tra và tiến hành kiểm tra 15 vụ, phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước là 150 triệu đồng, tịch thu 2.718 cái nón bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu Nón Sơn, 850 phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu. Cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật có liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở và tổ chức cho trên 3.300 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tái phạm.

Cán bộ QLTT Bình Thuận kiểm tra hàng hóa
Cán bộ Quản lý thị trường Bình Thuận kiểm tra hàng hóa

Trong xu thế hội nhập và phát triển, tình trạng kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dự báo sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhất là hình thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử như thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng cho người tiêu dùng; các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví, mũ bảo hiểm...

Do đó, việc tiếp nhận và xử lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp sẽ nhiều và phức tạp hơn nên ngoài việc chủ động tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đề nghị chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để tích cực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là việc phân biệt hàng thật và hàng giả nhãn hiệu, nhận diện hành vi xâm phạm  quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ.

Đức Huy