Bình Dương quyết tâm trở về trạng thái “bình thường mới”

- Thứ Năm, 23/09/2021, 15:22 - Chia sẻ
Tại Cuộc họp trực tuyến với 9 huyện, thị, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương ngày 22.9, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã nhấn mạnh, các địa phương cần quyết tâm và thống nhất thực hiện tổng lực các giải pháp xét nghiệm, điều trị để đến ngày 30.9 đưa tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”.

Tiếp tục thực hiện xét nghiệm thần tốc

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho bết, dù đã chuyển sang “vùng xanh” và nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng các địa phương vẫn tiếp tục duy trì chốt để kiểm soát chặt việc đi lại của người dân. Cụ thể, tại TP. Dĩ An, khi tham gia giao thông, người dân phải đáp ứng một trong các điều kiện y tế theo quy định và phải mang theo giấy tờ chứng minh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19; đã tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 đủ 14 ngày kể từ ngày tiêm; là F0 được điều trị từ các cơ sở y tế được công nhận đã khỏi bệnh không quá 6 tháng.

Riêng công nhân lao động trong và ngoài khu công nghiệp đi lại bằng phương tiện cá nhân phải bảo đảm các điều kiện của người được phép lưu thông, đồng thời phải xuất trình thêm thẻ công nhân hoặc giấy xác nhận đi đường do UBND phường, nơi công nhân cư trú xác nhận. Để kiểm soát chặt hoạt động lưu thông trong trạng thái “bình thường mới”, TP. Dĩ An vẫn tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát liên phường, lối ra vào thành phố, địa bàn giáp ranh để bảo vệ “vùng xanh”, khóa chặt “vùng đỏ”.

Quyết tâm thực hiện tổng lực các giải pháp xét nghiệm, điều trị, Bí thư Thị ủy Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết, để đuổi kịp tốc độ lây lan của biến chủng virus mới, thịTân Uyên đã triển khai phương án xét nghiệm hàng ngày tập trung vào “điểm đỏ” theo công thức 1, 2, 3. Trong khoảng 1 tuần qua, tỷ lệ F0 giảm đáng kể, tầng 1 không có ca tử vong. Với mục tiêu đưa dịch vụ y tế đến với người dân, thị xã đã đưa vào hoạt động 26 trạm y tế lưu động, trong đó các phường “vùng đỏ” thành lập 3 trạm/1 phường hoạt động 24/24 giờ.

Thời gian qua, Trạm Y tế lưu động phường Thuận Giao, TP. Thuận An đã quản lý hơn 2.000 F0, đến nay đã có hơn 1.800 F0 xuất viện. Trạm đã thành lập 5 tổ tiền trạm lưu động đóng chốt tại các khu phố để tiếp nhận thông tin, điện thoại người dân gọi tới, qua đó đáp ứng yêu cầu y tế của người dân. Sau khi nhận điện thoại, tổ tiền trạm phân loại F0; nếu nhẹ thì hướng dẫn điều trị tại nhà, trong trường hợp bệnh nhân nặng cần cấp cứu, theo dõi sức khỏe thì chuyển trạm cấp cứu lưu động. Nếu tình trạng bệnh nhân vượt khả năng điều trị tại trạm thì chuyển tuyến lên trung tâm y tế.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương, với mục tiêu “bóc tách” toàn bộ F0 trong cộng đồng, không để tình trạng F0 xuất hiện rải rác, trong 5 ngày (từ ngày 23 27.9), các địa phương tiếp tục thực hiện xét nghiệm thần tốc. Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, các địa phương đồng thời tiến hành bao phủ hoạt động của trạm y tế lưu động tại cộng đồng và tại doanh nghiệp, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất dịch vụ y tế.

Mở rộng “vùng xanh” an toàn

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, ngày 30.9 là mốc thời gian nước rút và cần sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Những ngày này, các địa phương cần phối hợp giữa tiến và thủ, tiến ở “vùng đỏ” và thủ ở “vùng xanh”. Các địa phương cần rà soát lại nhân lực (chi viện, tăng cường), sinh phẩm và phương pháp tổ chức đồng bộ khoa học để thực hiện chiến lược xét nghiệm đạt hiệu quả cao.

Nhấn mạnh cả hệ thống chính trị tỉnh phải quyết tâm cả về ý chí và hành động để đến ngày 30.9 đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi đề nghị, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt theo phân công, phân cấp, hoàn tất công tác xét nghiệm thần tốc trong 5 ngày từ ngày 23 đến 27.9 để toàn tỉnh công bố “vùng xanh”. Đặc biệt, trong phong tỏa, các địa phương phải thực hiện phong tỏa hẹp ở những “điểm đỏ”, “vùng đỏ”; khi có điều kiện phong tỏa hẹp thì mở rộng “vùng xanh” an toàn, không để tình trạng chặt ngoài, lỏng trong. “Muốn hoạt động trở lại thì phải chống dịch tốt. Để công tác điều trị đạt kết quả, giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong, tất cả các tầng phải trang bị đầy đủ thuốc, oxy và tổ chức lại lực lượng y tế tại chỗ” - Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ.

Đồng thời, các địa phương điều chỉnh bản đồ điện tử an toàn chống dịch và phân loại tình trạng F0. Nếu F0 nhẹ thì ở nhà, nặng thì chuyển tuyến. Y tế cơ sở là lực lượng then chốt quản lý F0. Địa phương nào chưa thực hiện trạm y tế lưu động thì phải triển khai ngay và phải có cách làm sáng tạo, huy động lực lượng y tế tư nhân cùng với trạm y tế lưu động, khu cụm công nghiệp tổ chức phòng khám ngay trong lòng khu dân cư, doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cũng lưu ý, thời gian tới, các ngành cần tiếp tục hỗ trợ cho người dân thực sự khó khăn, duy trì tổng đài 1022 để tiếp nhận thông tin phản ánh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt người ra đường không đúng quy định, không thực hiện “5K”, người vào tỉnh từ các tỉnh khác phải có giấy xét nghiệm âm tính. Bước vào giai đoạn chuyến tiếp, công tác tuyên truyền phải huy động toàn bộ người dân tham gia khám sàng lọc và tiêm vaccine, điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động, thực hiện nghiêm “5K”.

Nhật Phương