Bình đẳng giới tại nơi làm việc

- Thứ Ba, 17/11/2020, 15:23 - Chia sẻ

Ngày 17.11, Hà Nội,  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Dự án Investing in Women (Australia) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại Hội thảo “Bình đẳng giới tại nơi làm việc – kiến tạo giá trị vững bền”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI, Hoàng Quang Phòng thừa nhận, bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Ngay cả khi phụ nữ là lực lượng có nhiều đóng góp thiết yếu cho xã hội và nền kinh tế, họ vẫn chưa thực sự được đánh giá cao trong thị trường lao động và chưa được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện bình đẳng giới. 

Chính vì thế, Việt Nam đang thực hiện những thay đổi tích cực, hướng tới giảm bất bình đẳng giới về cơ hội giữa phụ nữ và nam giới trên thị trường lao động. Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Dự thảo Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cũng kêu gọi thu hẹp khoảng cách giới trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của người dân.

Tại hội thảo, ILO đã công bố Báo cáo nghiên cứu "Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam".

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện chính sách, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam, Andrew Barnes, chia sẻ, “Ở Việt Nam cũng như ở Australia, việc khai thác được đầy đủ tiềm năng của phụ nữ tham gia vào nền kinh tế có vai trò vô cùng lớn đối với tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội.

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế lao động của ILO, Barcucci đã nêu thực tế, mặc dù các doanh nghiệp đã rất sẵn sàng thu hẹp khoảng cách giới trong đội ngũ lãnh đạo của mình, họ không thể đơn phương thực hiện điều đó. “Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất cần phải biến những dữ kiện và phát hiện của báo cáo này thành hành động,” chuyên gia kinh tế lao động của ILO, Barcucci nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo đã diễn ra Lễ trao Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividents for Gender Equality – Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới) cho Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN Genco3), nâng tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam được nhận chứng chỉ này lên 8 công ty. Được biết, EDGE ra đời từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2011 - là phương pháp đánh giá và chứng chỉ kinh doanh hàng đầu toàn cầu về bình đẳng giới, được thiết kế nhằm không chỉ giúp các doanh nghiệp đánh giá hiện trạng môi trường làm việc của mình mà còn xây dựng một kế hoạch hành động hướng đến một môi trường làm việc tối ưu cho cả người lao động nam và nữ.

Phạm Hải