Bình đẳng giới ASEAN và EU - Thực trạng và quan điểm

- Thứ Năm, 22/04/2021, 18:31 - Chia sẻ
Chiều 22.4, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự hội thảo trực tuyến do Nghị viện châu Âu (EP) phối hợp với Ban Thư ký AIPA tổ chức với chủ đề: Bình đẳng giới ASEAN và EU - Thực trạng và quan điểm.

Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Hội thảo còn có sự tham dự của các nghị sĩ EP; nghị sĩ một số nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký AIPA; đại diện một số tổ chức doanh nghiệp và thanh niên của ASEAN, EU...

Hội thảo trực tuyến do Nghị viện châu Âu phối hợp với Ban thư ký AIPA tổ chức

Hội thảo là diễn đàn để các nghị sĩ ASEAN và EU, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức thành viên của ASEAN và EU trao đổi quan điểm, kinh nghiệm về thúc đẩy bình đẳng giới.

Nêu quan điểm của Đoàn Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Điểm nổi bật trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà tham dự hội thảo trực tuyến

Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới. Việt Nam được ghi nhận đã cải thiện được chỉ số về cơ hội và sự tham gia các hoạt động kinh tế của nữ giới. Đặc biệt, khoảng 45% thu nhập trong nền kinh tế Việt Nam thuộc về phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới, khoảng 70% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ rơi vào khoảng 1,85%. Tỷ lệ nữ có bằng đại học tương đương nam giới, tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt 28%. Khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết đọc, biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%. Các vị trí quản lý cấp cao do phụ nữ Việt Nam đảm nhiệm chiếm 27%, cao hơn trung bình thế giới. Tính đến ngày 1.1.2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 26,7%, đứng thứ 72 trên thế giới và cao hơn mức trung bình trung của thế giới (25,5%). Cùng với đó, phụ nữ hiện đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước. 

Bà Lê Thu Hà khẳng định, những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất Mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng còn một số vấn đề trở ngại trong lĩnh vực bình đẳng giới. Cụ thể, về kinh tế, chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại; cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Về chính trị - xã hội, tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp nhiều vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo

Việt Nam nhận thức rằng, việc tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là hết sức cần thiết. Việt Nam cam kết thúc đẩy, bảo đảm sự tham gia đầy đủ của phụ nữ. Với tinh thần đó, Đoàn Việt Nam kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Thứ nhất, khắc phục định kiến giới. Phụ nữ phải được xã hội và đặc biệt là nam giới tôn trọng, ủng hộ thì vai trò của họ trong xã hội mới được phát huy. Việc thay đổi định kiến về giới phải được biểu hiện bằng những hành động mang tính thực tế, đó là phải có kể hoạch phát triển cán bộ nữ mang tính chiến lược lâu dài và có tính đột phá, phải coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là khẩu nền tảng. sức cần thiết và Việt Nam cam kết thúc đẩy và bảo đảm sự. Thứ hai, nâng cao vai trò của Nghị viện và nghị sĩ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tăng cường hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quốc gia về bình đẳng giới theo các thỏa thuận quốc tế, đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát việc thực hiện. Thứ ba, nâng cao ý thức, nhận thức và nỗ lực vươn lên của chính phụ nữ, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội tiếp cận với tri thức lãnh đạo, quản lý tiến bộ. Thứ tư, tăng cường bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Với các mục tiêu cụ thể như tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Thanh Chi