Biện pháp hạn chế có được tuân thủ?

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:39 - Chia sẻ
Nhiều quy định đã được đưa ra nhằm hạn chế hoạt động vận động tranh cử trực tiếp, tụ tập đông người… Tuy nhiên, các báo cáo của các cơ quan quan sát bầu cử cũng như ghi nhận của các phương tiện truyền thông cho thấy, các cuộc vận động và biểu tình trực tiếp quy mô lớn đôi khi vẫn diễn ra bất chấp những yêu cầu hạn chế của Chính phủ.

Ở Myanmar, giới hạn 50 người có thể có mặt tại một cuộc mít tinh vận động bầu cử đã không được nhà chức trách tuân thủ. Các hướng dẫn giãn cách xã hội hay yêu cầu về việc đeo khẩu trang cũng không được tuân thủ chặt chẽ trong các hoạt động tranh cử ở quốc gia này. Trong khi đó ở Moldova, mặc dù quy định là không quá 50 người được phép tham gia các sự kiện công cộng, nhưng không phải lúc nào các ứng cử viên cũng tuân thủ. Báo cáo của OSCE về cuộc bầu cử ở Ba Lan cho thấy, ngay trước vòng hai, các chiến dịch vận động tranh cử đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp với cử tri, thu hút các cuộc tụ tập đông người, trong đó yêu cầu về y tế nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 không được tôn trọng. Cũng như vậy ở Malawi, nhiều cuộc vận động tranh cử quy mô lớn vẫn được tổ chức bất chấp quy định số lượng tham gia các cuộc tụ tập công cộng chỉ giới hạn ở 100 người.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái, mức độ tuân thủ các quy định về y tế trong chiến dịch vận động tranh cử khác nhau giữa các ứng cử viên.

Hồi tháng 6.2020, ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đã bác bỏ lời kêu gọi từ giới chức thành phố Tulsa về việc tạm dừng sự kiện vận động tranh cử ở thành phố này bất chấp nguy cơ bùng phát dịch Covid-19. Thậm chí, ông còn yêu cầu tăng gấp 3 số người tham dự cuộc vận động. “Chúng tôi đã có hội trường 22.000 chỗ, nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhận thêm hội trường kế bên và ở đó có thêm 40.000 chỗ nữa”, SCMP dẫn lời Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 16.6.2020.

Ông Trump dự định tổ chức sự kiện vận động tranh cử đầu tiên sau hơn 3 tháng tạm dừng tại Trung tâm BOK ở Tulsa với sức chứa lên tới 20.000 người. Sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 20.6 tại một khu vực chen chúc người, trong bối cảnh bang Oklahoma đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Giám đốc Sở Y tế Tulsa Bruce Dart khi đó khuyến cáo Tổng thống Trump hoãn sự kiện vận động tranh cử cho tới khi “virus không còn là mối lo ngại lớn”. Thậm chí, một nhóm luật sư tại thành phố Tulsa đã đệ đơn kiện để ngăn Tổng thống Trump tổ chức sự kiện, trừ khi những người tổ chức thực hiện các bước phòng chống dịch theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Đơn kiện không nhằm vào Tổng thống Trump hay chiến dịch tranh cử của ông, mà nhằm vào SMG - công ty quản lý trung tâm BOK nơi tổ chức sự kiện.

Những người đệ đơn kiện cho biết sự kiện vận động tranh cử được tổ chức trong nhà sẽ là hoạt động “siêu lây nhiễm” và có thể ảnh hưởng tới cả những người không tham dự. Họ đã dẫn lại các khuyến nghị của CDC trong đơn kiện để làm bằng chứng cho thấy, cuộc vận động có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Theo Reuters, những người ủng hộ ông Trump còn buộc phải ký vào một bản cam kết trên trang web vận động tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, khẳng định họ sẽ không khởi kiện nếu bị mắc Covid-19 khi tham dự sự kiện vận động tranh cử này.

Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden luôn ưu tiên việc thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các hướng dẫn y tế để bảo đảm an toàn. Thậm chí hồi tháng 6, ông còn tuyên bố dừng vận động tranh cử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. "Đây là chiến dịch tranh cử kỳ lạ nhất trong lịch sử hiện đại. Tôi sẽ tuân thủ lời khuyên của các bác sĩ, không chỉ với tôi và với đất nước. Điều đó đồng nghĩa tôi sẽ dừng tổ chức các cuộc vận động tranh cử", ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nói trong buổi họp báo ở Delwar hôm 30.6.2020.

Quyết định của ông Biden được đưa ra một tuần sau khi 8 trường hợp tham gia cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Trump ở Tulsa, Oklahoma được xác nhận mắc Covid-19. Theo CNN, những người tham dự cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Trump không bắt buộc phải đeo khẩu trang hoặc tuân thủ quy định giãn cách xã hội dù các quan chức y tế Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của 2 biện pháp này.

Kể từ tháng 3.2020, phần lớn chiến dịch tranh cử của ông Biden diễn ra trực tuyến. Trong một vài cuộc vận động tranh cử mà ứng viên đảng Dân chủ tham gia ở Texas hoặc Pennsylvania hay các sự kiện nhỏ hơn, hầu hết người tham gia đều đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội. Ông Biden cho rằng các biện pháp hạn chế này không ảnh hưởng đến hiệu quả vận động và tin nó giúp ông kết nối với cử tri theo cách chưa từng thấy.

Quốc Đạt