Bí quyết thành công của trung tâm nghiên cứu và lai tạo giống gia cầm hàng đầu Việt Nam

- Thứ Bảy, 10/04/2010, 00:00 - Chia sẻ
Từng nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2001 với nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, gần 10 năm qua, tập thể cán bộ khoa học nữ của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương đã không ngừng nghiên cứu và lai tạo ra nhiều loại giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu

Trong những năm đầu thành lập, tập thể cán bộ khoa học nữ của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Trung tâm) phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, máy móc, phương tiện và kinh phí để thực hiện những đề tài lớn. Chính những khó khăn đó đã gắn kết chị em thành một tập thể đoàn kết, tạo động lực vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc để cùng nhau nghiên cứu, đưa vào sản xuất hàng chục loại giống gia cầm mới với năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Theo các chị, tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh của thành công, một số chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay thiếu kinh nghiệm trong công việc đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của những người đi trước như TS Bạch Thị Thanh Dân, TS Lê Thị Nga…, đó là động lực giúp chị em vượt lên tất cả những khó khăn để làm khoa học.

Xác định nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất là nhiệm vụ chính trong quá trình hoạt động. Tập thế cán bộ khoa học nữ đã tham gia thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học lớn và có tính ứng dụng cao như đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển chăn nuôi vịt đảm bảo an toàn sinh học” của nhóm tác giả T.S Bạch Thị Thanh Dân, Th.S Nguyễn Thị Liên Hương, hay đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đồng bộ xây dựng vùng nguyên liệu trong chăn nuôi lợn, gà an toàn thực phẩm có khả năng cạnh tranh phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” do T.S Nguyễn Thị Nga, T.S Bạch Thị Thanh Dân, T.S Phạm Thị Minh Thu thực hiện…Bên cạnh đó, các chị đã cùng nhau nghiệm thu 5 đề tài, dự án cấp Nhà nước đồng thời triển khai thực hiện 4 đề tài cấp Nhà nước và 1 đề tài theo nghị định thư do Trung tâm chủ trì.

Với thành tích nghiên cứu trên 200 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 4 đề tài được cho phép sản xuất thử về các lĩnh vực di truyền chọn giống, thức ăn dinh dưỡng, xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng.... Tập thể cán bộ khoa học nữ của Trung tâm đã vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia vào năm 2001, đây là động lực rất lớn cho các chị tiếp tục nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, đảm nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học lớn đồng thời khám phá, đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực mới mà ở Việt Nam chưa phát triển.

Hầu hết tiến bộ khoa học đi vào sản xuất trên bình diện lớn

Không dừng lại ở giải thưởng Kovaleskaia, 10 năm trở lại đây, chị em trong Trung tâm đã có nhiều công trình khoa học mang tính thực tiễn lớn, trong đó 12 công trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học (TBKH), 23 công trình đang được Hội đồng khoa học – công nghệ Viện chăn nuôi đề nghị Bộ công nhận TBKH, 10 công trình đề nghị sản xuất thử nghiệm. Hầu hết các TBKH đã đi vào sản xuất trên bình diện lớn góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, cơ cấu lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Với phương châm “thất bại là mẹ thành công”, tập thể khoa học nữ ấy đã không quản khó khăn, không nản chí sau mỗi lần thất bại mà xem đó là bài học kinh nghiệm. Nhiều quy trình sản xuất, nhiều giống gia cầm do các chị thực hiện đã đưa vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Quy trình ấp trứng Đà điểu của T.S Bạch Thị Thanh Dân, các giống ngan có giá trị kinh tế cao V5,V7,VS của Th.S Trần Thi Cương, Vũ Thị Thảo hay “Quy trình chăn nuôi gà Ai Cập, Thái Hòa và con lai” của T.S Lê Thị Nga…..

Hàng năm, Trung tâm chuyển giao cho bà con nông dân trên 100.000 giống gà Ross308, Tam Hoàng, Lương Phượng, Kabir, ngan Pháp, chim bồ câu, cá sấu… Từ một số giống quý do Trung tâm chuyển giao, các trang trại và hộ gia đình đã sản xuất ra hơn 10 triệu con thương phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Đáng chú ý, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ sản xuất đà điểu và các sản phẩm đà điểu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Nga, Vũ Thị Thái đã nghiên cứu thành công khẩu phần ăn phù hợp nuôi đà điểu bố mẹ giai đoạn đẻ trứng. Từ kết quả nghiên cứu đã hoàn thiện công nghệ nuôi đà điểu sinh sản và thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay mô hình chăn nuôi này được phát triển trên 40 tỉnh, thành trong cả nước

Thành công trong nghiên cứu, sản xuất ra nhiều giống gia cầm chất lượng cao đã thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng phong phú về số lượng vật nuôi, hiệu quả kinh tế cao, cũng như nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người chăn nuôi.

Trần Thành