Bền vững cùng rừng

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 05:25 - Chia sẻ
Mua lại rừng trồng của người dân để mở rộng không gian cho quần thể voọc chà vá chân xám trú ngụ; dùng thuốc nổ đánh sập 75 hầm khai thác vàng trái phép tại khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh… là những phương án được chính quyền tỉnh Quảng Nam thực hiện quyết liệt nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Việc thu hồi, mua lại 30ha rừng đang là nương rẫy của người dân nhằm bảo đảm có tối thiểu 60ha sinh cảnh sống cho đàn voọc. Khoảng 90ha rẫy trồng keo của người dân xung quanh cũng sẽ trở thành vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái bằng cách trồng lại cây bản địa, tạo thêm không gian sống cho loài voọc, kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế người dân.

Tương tự, quyết định đánh sập 75 hầm khai thác vàng trái phép của chính quyền tỉnh được người dân rất ủng hộ bởi Vườn quốc gia Sông Thanh là một trong 10 khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Việc khai thác vàng trái phép không chỉ chiếm đoạt tài nguyên quốc gia mà còn phá hủy môi trường khi mà từng vạt rừng bị đốn hạ, những dòng suối bị đầu độc do hóa chất dùng để đãi vàng.

Trước đó, Quảng Nam cũng được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quảng Nam với 628.000ha rừng tự nhiên, mỗi năm có khả năng bán được 1 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nếu thành công với đề án này thì bình quân mỗi năm tỉnh này sẽ thu được từ 5 - 10 triệu USD.

Muốn bán được tín chỉ carbon, không những Quảng Nam phải có đủ diện tích rừng, mật độ cây rừng tự nhiên đủ tạo ra trữ lượng cả triệu tấn khí ôxy - O2, mà còn phải chứng minh được mình là địa phương có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tốt, phát triển, khai thác rừng bền vững. Điều này đòi hỏi Quảng Nam phải có quyết tâm lớn để bảo vệ tài nguyên, bảo vệ những cánh rừng nếu muốn thu lợi một cách bền vững từ rừng.

Đáng tiếc rằng, không phải địa phương nào cũng có những động thái mạnh mẽ được như vậy. Tại Gia Lai, từ năm 2001 - 2018, qua 2 đời trưởng ban, rừng phòng hộ Ia Grai đã bị mất hơn 424ha. Tại Đăk Nông, gần 100ha rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH Đỉnh Nghệ, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, sau hơn 10 năm được giao, nay đã bị xóa sổ. Tại huyện Ea Súp, nơi có nhiều dự án cho tư nhân thuê rừng nhất tỉnh Đắk Lắk với gần 30 dự án, tổng cộng 17.000ha, đến nay hầu như đã không còn dấu vết của rừng.

Đa số các vụ phá rừng đều được phát hiện chậm. Khi bị phát hiện, thì mọi nỗ lực khắc phục là không thể, để "hoàn nguyên" phải mất cả trăm năm sau. Đề án đến năm 2025 trồng 1 tỷ cây xanh chỉ thực sự ý nghĩa khi trồng thêm được 1 cây xanh cũng phải đồng nghĩa với giữ 1 cây rừng. Bởi đơn giản, một cái cây cổ thụ bị đốn chặt trong rừng, chúng ta còn mất đi cả lớp thảm thực bì, giữ nước và điều hòa khí hậu, mất đi sự bảo vệ tự nhiên. Hạn hán, lũ quét, sạt lở đất đã chôn vùi thành quả phát triển của nhiều năm, cướp đi nhiều sinh mạng, là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về giá trị đích thực của rừng, nhưng thực tế này không được các địa phương coi trọng đúng mức.

Ngoài việc bảo vệ chặt chẽ các khu rừng, xử lý lâm tặc và cán bộ bảo vệ rừng tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, thì việc quan trọng không kém là xem lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Bởi theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ cuối năm ngoái, dữ liệu gây nhiều bất ngờ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay là trong khi diện tích rừng bị chặt phá trái pháp luật chỉ chiếm 11%, thì tổng diện tích rừng bị mất bởi việc thi công xây dựng các dự án, nhà máy thủy điện lại chiếm tới 89%. Thực tế từ Tây Nguyên cho thấy, khi rừng được chuyển sang mục đích kinh tế càng nhiều đồng nghĩa với việc rừng bị mất càng nhanh và không thể phục hồi.

Chi An