Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Trình bày Tờ trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404, thời gian thực tế cần nhiều hơn khoảng một năm so với dự kiến.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nếu triển khai theo lộ trình từ năm học 2018 - 2019, thì chất lượng chương trình, SGK mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, SGK mới chưa bảo đảm. Do đó, việc đổi mới chương trình, SGK khó bảo đảm thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội. Chính phủ trình UBTVQH và QH xem xét, cho phép giãn tiến độ một năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.
Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của QH, việc áp dụng chương trình, SGK mới sẽ chậm lại một năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, với phương án mới nêu trên sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK theo định hướng phát triển năng lực người học…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp | Ảnh: Lâm Hiển |
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày. Theo đó, Thường trực Ủy ban cho rằng, do việc triển khai xây dựng chương trình, SGK mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên kiến nghị về lùi thời điểm áp dụng chương trình mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà. Nội dung này cũng đã được các thành viên Ủy ban đặt ra tại các phiên làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 5 và tháng 9.2017.
Tán thành với việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, SGK mới, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ lý do, sự cần thiết lùi thời điểm áp dụng, trong đó phân tích từng vấn đề cụ thể về chương trình tổng thể, chương trình môn học, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý đồng thời đánh giá tác động của việc thay đổi này như kinh phí, bộ máy biên chế… Đặc biệt, Chính phủ cần đưa ra phương án sẽ làm gì nếu QH đồng ý điều chỉnh.
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải trình thêm một số nội dung. Cụ thể, với tinh thần khi áp dụng phải chắc và ổn định nhiều năm, tránh tình trạng chưa thực hiện đã phải sửa, nên lần này phải chuẩn bị kỹ lưỡng, không thực hiện nếu chưa chắc chắn. Vì lý do đó, Chính phủ đã đồng ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án trình UBTVQH và QH xem xét lùi lại một năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT để có thời gian chuẩn bị tốt hơn, đồng bộ hơn khi triển khai.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Tờ trình không chỉ đề cập đến vấn đề xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới mà còn báo cáo rõ với QH về tình hình thực hiện sau khi ban hành Nghị quyết 88, Chính phủ và Bộ đã làm gì để QH nắm rõ, từ đó có thể thấy những thuận lợi và khó khăn, phương án thực hiện tiếp theo như thế nào.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nêu rõ, UBTVQH nhất trí với Chính phủ về việc báo cáo QH tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thêm bản báo cáo cập nhật nội dung toàn diện, kiểm điểm theo tinh thần của Nghị quyết 88 và cập nhật thêm nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Khóa XII về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, cần có Tờ trình riêng về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.
+ Cùng ngày, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thực hiện thu hồi đất một lần Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 15, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án), một số thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các khu tái định cư; diện tích nghĩa trang; tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư và cơ chế bố trí vốn; công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm và một số vấn đề liên quan đến đánh giá tác động môi trường. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển chia sẻ với các cơ quan triển khai Dự án về những khó khăn khi xử lý đền bù tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng Dự án trình ra QH, UBTVQH đề nghị cần thực hiện đúng Nghị quyết 94 của QH Khóa XIII về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, cần thực hiện thu hồi đất một lần, không thu hồi đất theo tiến độ dự án; tách bạch rõ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Quy hoạch phát triển của tỉnh Đồng Nai. Về cơ chế đặc thù, cần tính toán kỹ bảo đảm quy định của pháp luật; cần rành mạch trong thu - chi. Về kinh phí, cần trình QH phương án bố trí đủ kinh phí cho việc đền bù giải phóng mặt bằng từ ngân sách trung ương, phần còn thiếu lấy từ nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, toàn bộ kinh phí thu được từ bán đất, cho thuê đất của Dự án sẽ nộp vào ngân sách trung ương. Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện hồ sơ, đồng thời, giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra chính thức trình QH xem xét. Nguyễn Vũ |