Bầu cử Tổng thống Mỹ và nguy cơ khủng hoảng Hiến pháp

- Thứ Năm, 05/11/2020, 07:11 - Chia sẻ
Dù kết quả bỏ phiếu tại các bang chiến trường vẫn chưa kết thúc, rạng sáng 4.11 Tổng thống Donald Trump đơn phương tuyên bố chiến thắng đối thủ trong buổi họp báo tại Nhà Trắng. Ngay sau đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cho biết ông đang đi đúng hướng để chiến thắng.

Điều này khiến giới quan sát lo ngại kịch bản trong quá khứ có thể lặp lại, đó là nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử dù vẫn thua số phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Joe Biden và phần lớn nước Mỹ được cho là không dễ dàng chấp nhận kết quả này và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng Hiến pháp cũng như chính trị làm tê liệt đất nước.

Nguồn: ITN

Kịch bản đáng sợ trong lịch sử

Một số chuyên gia đã nói đến viễn cảnh kết quả cuộc đua quá sít sao đến nỗi không ai chịu thua. Điều này khiến người ta nhớ đến cuộc đối đầu giữa ông George W. Bush của Đảng Cộng hòa và ông Al Gore của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2000. Thời điểm đó, ông Bush thua đối thủ 540.000 phiếu phổ thông nhưng lại nhận 271 phiếu đại cử tri, nhiều hơn 1 phiếu so với mức tối thiểu để giành chiến thắng. Điều đáng nói là kết quả này phụ thuộc hoàn toàn vào 25 phiếu đại cử tri tại bang Florida nhưng sự việc không rõ ràng vào cuối đêm bầu cử, dẫn đến nhiều tranh cãi.

Ê kíp tranh cử của ông Al Gore khi đó yêu cầu các quan chức tại 4 trong số các hạt lớn nhất của Florida kiểm lại phiếu bằng tay. Những lá phiếu được bỏ theo hình thức cử tri đục vào lỗ bên cạnh tên ứng viên. Ba tuần sau ngày bầu cử, Florida tuyên bố ông Bush thắng với cách biệt 537 phiếu. Ông Al Gore nghi ngờ về con số đó và tòa án cấp cao nhất của bang ra lệnh kiểm lại hàng nghìn lá phiếu đã bị máy đếm từ chối vì chúng không được đục lỗ hoàn toàn, vẫn còn mẩu giấy nhỏ dính vào lá phiếu.

Tòa án Tối cao Mỹ ra lệnh dừng việc kiểm phiếu này vào ngày 12.12, tức là 6 ngày trước khi cử tri đoàn nhóm họp. Tòa ra phán quyết rằng Hiến pháp đã bị vi phạm do các hạt sử dụng những tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau. Sau cùng, ông Al Gore nhận thua và nói rằng không muốn nước Mỹ tiếp tục rơi vào cảnh đấu đá đảng phái.

16 năm sau đó, kịch bản tương tự lặp lại. Trong một chiến thắng đi ngược lại hầu hết cuộc thăm dò trước bầu cử, ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa đánh bại đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhờ thắng thuyết phục số phiếu đại cử tri (304 - 227) dù thua đối thủ đến 2,8 triệu phiếu phổ thông. Theo trang History.com, cả hai cuộc bầu cử đều dẫn đến những lời kêu gọi bãi bỏ phiếu đại cử tri thành hệ thống "một người, một phiếu bầu" đơn giản hơn nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ cho đến giờ.

Theo Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), có rất nhiều lý do để lo rằng cuộc bầu cử năm nay có thể đẩy Mỹ vào khủng hoảng Hiến pháp kéo dài, thậm chí có thể dẫn đến bạo lực dân sự. Nếu ông Trump tái đắc cử dù thua số phiếu phổ thông, ông Biden và phần lớn nước Mỹ có thể không dễ dàng chấp nhận kết quả thua cuộc như bà Hillary hoặc ông Al Gore. Trong trường hợp Tòa án Tối cao một lần nữa phán quyết chấm dứt việc kiểm lại phiếu như trong cuộc đối đầu giữa 2 ông Bush và Al Gore (mà điều này rất có thể xảy ra sau khi ông Trump bổ nhiệm một nhân vật thân Cộng hòa vào Tòa án Tối cao chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử), các cuộc biểu tình lớn khắp nước Mỹ có thể xảy ra.

Hiến pháp sẽ giải quyết như thế nào?

Mọi chuyện cũng trở nên phức tạp hơn nếu kết quả cuộc bầu cử không xác định được ứng viên giành ít nhất 270 phiếu đại cử tri cần thiết hoặc các ứng viên có số phiếu đại cử tri ngang nhau. Khi đó, số phận chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng sẽ rơi vào tay các hạ nghị sĩ mới được bầu trong cuộc bầu cử ngày 3.11, theo Tu chính án 12. Cụ thể, Hạ viện mới sẽ phải bầu chọn tổng thống từ 3 ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Phái đoàn hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang sẽ được trao một phiếu bầu và một ứng viên cần 26 phiếu để giành chiến thắng.

Đáng chú ý, thành phần đảng phái của phái đoàn sẽ quyết định lá phiếu này thuộc về ứng viên nào. Điều này đồng nghĩa chiếc ghế tổng thống có thể không được quyết định bởi đảng kiểm soát Hạ viện mà bởi đảng đang chiếm đa số phái đoàn nghị sĩ bang. Trong khi đó, Thượng viện sẽ bầu chọn phó tổng thống từ 2 ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Mỗi thượng nghị sĩ được trao một phiếu bầu. Một ứng viên cần 51 phiếu để giành chiến thắng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Hạ viện không chọn được tổng thống trước ngày tuyên thệ vào tháng 1.2021? Khi đó, Tu chính án 20 sẽ được viện tới. Phó Tổng thống sẽ lên nắm quyền cho đến khi chọn được Tổng thống. Trong trường hợp không bầu được cả tổng thống lẫn phó tổng thống trước ngày tuyên thệ, Đạo luật Kế vị Tổng thống (PSA) sẽ được áp dụng. Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện hoặc một thành viên nội các, theo trình tự này, sẽ lên nắm quyền cho đến khi bầu được tổng thống hoặc phó tổng thống. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Tổng thống Donald Trump đều đã chuẩn bị cho khả năng không ai giành được 270 phiếu đại cử tri, điều chưa xảy ra từ năm 1876.

Cho đến nay, Tổng thống Trump giành được 213 phiếu đại cử tri, ông Biden có 238 phiếu. Các quan chức bầu cử Mỹ cho biết, nhiều khả năng kết quả bầu cử sẽ chưa có ngay sau Ngày bầu cử bởi các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin có thể phải đến cuối tuần này mới có kết quả bầu cử. 3 bang này đại diện cho tổng số 46 phiếu đại cử tri, qua đó chiếm gần 1/5 trong tổng số 270 phiếu đại cử tri.

Box: Cuộc đua gay cấn ở hai viện Quốc hội Mỹ

Song song với các kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc đua giành các ghế ở Thượng viện và Hạ viện giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng đã bắt đầu có kết quả.

Trong cuộc tổng tuyển cử này, các cử tri bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang.

Đảng Dân chủ đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế với 53 - 47. Theo The Guardian, Đảng Dân chủ đang dẫn trước ở cuộc đua vào Thượng viện với 42 ghế, so với 38 của đảng Cộng Hòa. Trong khi đó, đảng Cộng hòa tạm chiếm ưu thế ở Hạ viện, 40 cho đảng Dân chủ và 68 cho đảng Cộng Hòa. Trước cuộc bầu cử này, số ghế tại Hạ viện lần lượt của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là 233 và 201.

Để nắm được thế đa số ở Thượng viện, đảng Dân chủ phải giành được thêm 3 vị trí nếu ông Biden chiến thắng và 4 ghế nếu Tổng thống Donald Trump tái cử. Trong đợt bầu cử này, đảng Cộng hòa gắng sức bảo vệ 23 vị trí hiện có tại Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ cố giữ 12 vị trí.

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, đã tái cử tại bang Kentucky, bất chấp nỗ lực của phe Dân chủ trong việc dồn nguồn lực cho ứng viên Amy McGrath. Tuy nhiên, câu hỏi thực sự vẫn còn. Đó là liệu ông McConnell có tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo đa số tại Thượng viện, hay sẽ phải nhường lại cho đảng Dân chủ? Ông Mitch McConnell là đồng minh có tiếng nói của Tổng thống Donald Trump tại Quốc hội và là nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo dự đoán của CBS News, quyền kiểm soát Thượng viện có thể được quyết định bởi cuộc đua tại Georgia. Một chuyên gia phân tích chính trị nói rằng đảng Dân chủ dự kiến sẽ giành được từ thêm 10-15 ghế so với trước bầu cử. Số ghế này có được do Tổng thống Trump không được ủng hộ ở các vùng ngoại ô, dẫn đến bất lợi trong việc gây quỹ và làm giảm triển vọng của đảng Cộng hòa.

Quỳnh Vũ