Bắt nhịp nhanh hoạt động của Quốc hội

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 05:24 - Chia sẻ
Sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, cùng với vinh dự, tự hào, nhiều đại biểu mới trúng cử lần đầu cũng chia sẻ những lo lắng, áp lực khi nghĩ về hành trình thực hiện trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội trong 5 năm tới. Dù vậy, tại Hội nghị giới thiệu về Quốc hội cho người mới trúng cử vừa được tổ chức, các đại biểu đều thể hiện quyết tâm bắt nhịp nhanh với hoạt động của Quốc hội ngay từ kỳ họp đầu tiên.

Hai chiều cảm xúc...

“Vui mừng, phấn khởi, vinh dự...” là những cảm xúc được nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XV lần đầu trúng cử ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên chia sẻ tại Hội nghị giới thiệu về Quốc hội cho người mới trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Nhưng không hẹn mà gặp, các đại biểu Trần Thị Quỳnh (Nam Định), Phạm Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh), Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa)... đều chia sẻ về cảm xúc “lo lắng”, “áp lực” khi thực hiện trách nhiệm của người đại biểu dân cử, trước sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri.

Hơn nữa, tại Kỳ họp thứ Nhất tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2026, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới.... Vừa trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, Bí thư Huyện ủy A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) Nguyễn Thị Sửu chia sẻ, những nội dung được trình ra tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội sẽ là một khối lượng thông tin rất lớn cần xử lý, phân tích với đại biểu, thậm chí có nhiều thông tin không thuộc lĩnh vực chuyên môn bản thân có lợi thế. Đây là một thử thách và áp lực lớn với không ít đại biểu Quốc hội lần đầu trúng cử.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường chia sẻ, ông cũng có những cảm xúc "thuận - nghịch" tương tự khi được thông báo trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Chiều thuận của cảm xúc có được do vui mừng, phấn khởi và tự hào khi được cử tri, lãnh đạo các cấp tin tưởng, giới thiệu ứng cử, lựa chọn bầu làm đại biểu Quốc hội. Chiều nghịch của cảm xúc là bởi lo lắng, áp lực khi thực hiện những nhiệm vụ, nghĩa vụ mới, khác với lĩnh vực công tác lâu nay của bản thân.

Mặt khác, nhiều đại biểu lần đầu trúng cử cũng cảm thấy lo lắng vì thiếu những kiến thức ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình như về luật pháp, kinh tế, tài chính, quốc phòng, an ninh, khoa học...; lo lắng sắp xếp công việc chuyên môn như thế nào để có thể dành 1/3 thời gian tham gia các hoạt động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và giữ mối liên hệ với cử tri.

Dù vậy, nhiều đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm hoạt động nhiều nhiệm kỳ đều cho rằng, đại biểu lần đầu trúng cử của nhiệm kỳ Khóa XV có lợi thế lớn khi có đến 78% tổng số người trúng cử có trình độ trên đại học. Dù trình độ trên đại học chỉ trong lĩnh vực chuyên môn công tác của đại biểu, không phải tất cả các kiến thức cần có để thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn của một đại biểu Quốc hội nhưng họ sẽ có phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, phân tích vấn đề phù hợp để phục vụ cho hoạt động trên nghị trường. Do vậy, trong thời gian tới, mỗi đại biểu Quốc hội mới trúng cử cần tiếp tục thu thập, bổ sung kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến các hoạt động của Quốc hội. "Suy nghĩ và phân tích để tìm giải pháp phát huy hiệu quả nhất kiến thức sẵn có của mình khi tham gia các hoạt động của Quốc hội là vấn đề chúng ta cần quan tâm trước tiên", ông Lê Việt Trường chia sẻ.

Hành trang ban đầu và quan trọng với đại biểu

Theo nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam, các kiến thức được cung cấp tại Hội nghị giới thiệu về Quốc hội cho người mới trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV không phải là tất cả thông tin về Quốc hội. Theo Khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội do Ban Công tác đại biểu xây dựng, tại hội nghị này, cũng như trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ sẽ tập trung bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu gồm: Tổ chức và hoạt động của Quốc hội; quy trình, thủ tục làm việc; quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng giữ mối liên hệ với cử tri; kỹ năng tiếp xúc với báo chí; kỹ năng lập pháp, phân tích chính sách, giám sát... Trong các năm tiếp theo, các đại biểu Quốc hội sẽ được bồi dưỡng nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên sâu gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, cũng như nội dung dự kiến được đưa ra ở các kỳ họp.

Theo chia sẻ của nhiều đại biểu lần đầu trúng cử khu vực miền Trung, Tây Nguyên, quy trình, thủ tục tại một kỳ họp được báo cáo viên cung cấp tại Hội nghị sẽ giúp họ tránh lúng túng, mất nhiều thời gian khi tham gia các hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất. Không chỉ vậy, các thông tin được cục, vụ chức năng của Văn phòng Quốc hội hay Viện Nghiên cứu lập pháp cung cấp cũng giúp đại biểu nắm rõ những chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Theo ý kiến của đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế, các nội dung được giới thiệu tại hội nghị không chỉ giúp các đại biểu hiểu sâu sắc hơn về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội mà còn cho thấy nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước trong việc cung cấp chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho đại biểu ngày càng tốt hơn. Nhiều đại biểu mới trúng cử cho biết sẽ cố gắng đào sâu nghiên cứu những kiến thức liên quan, qua đó bắt nhịp được ngay với hoạt động của Quốc hội từ những kỳ họp đầu tiên.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định, đại biểu Quốc hội được xác định là nhân tố trung tâm, đóng vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đòi hỏi phải nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội. Do vậy, trong những năm qua, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trực tiếp là Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, thông tin tại Hội nghị sẽ là hành trang ban đầu quan trọng cho các đại biểu lần đầu trúng cử, làm nền tảng để mỗi đại biểu phát huy vị trí, vai trò của người đại biểu Nhân dân trong thời gian tới.

Thanh Hải