Ngày Thương hiệu Việt Nam 20.4

Bảo vệ thương hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập

- Thứ Bảy, 20/04/2013, 09:04 - Chia sẻ
Chưa bao giờ thương hiệu lại trở thành chủ đề thời sự được các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội thương mại quan tâm một cách đặc biệt như hiện nay. Việc xây dựng, tạo dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm đang thực sự là nhu cầu cần thiết trong bối cảnh hội nhập.

Chắc hẳn nhiều người chưa quên, đặc biệt là giới kinh doanh về câu chuyện của Công ty Cà phê Trung Nguyên cách đây khoảng chục năm. Khi đó, ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ đã tiếp xúc với tổ chức Rice Field để đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng, thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO). Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối Cafe Trung Nguyên tại Mỹ. Để dành lại thương hiệu, Trung Nguyên đã phải “lao tâm khổ tứ” tiêu tốn hàng trăm nghìn USD. Sau đó, cà phê Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tưởng mọi chuyện đã “yên bề” song mới đây, Trung Nguyên lại tiếp tục gặp “nạn” khi website Trungnguyen.com.au trở thành website quảng bá, giao dịch Highlands coffee. Khi đăng ký tên miền này tại Australia thì Trung Nguyên phát hiện Công ty The trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền này và sử dụng dưới hình thức một website giao dịch thương mại.

Trước đó, thương hiệu Vinataba của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt. Hay như thương hiệu PetroVietnam của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bỗng dưng bị một doanh nghiệp có tên NGUYEN LAI đăng ký tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ.  Việc bị xâm phạm không chỉ ở thương hiệu mang tính quốc gia mà cả ở những thương hiệu địa phương như kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột…

Nguyên nhân của việc bị đánh cắp đó là do chúng ta chưa chú trọng đến vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài. Tại Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt” nhân kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20.4) do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 15.4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết: hầu hết các doanh nghiệp của nước ta hiện nay đều chưa nhận thức đúng về vấn đề thương hiệu và sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm. Ông dẫn chứng “trong một cuộc khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt có 90% hàng Việt phải vào thị trường thế giới trung gian dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, hoặc phải thông qua nước thứ ba.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng để xây dựng và bảo vệ thương hiệu bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần sự cố gắng của chính doanh nghiệp, thậm chí phải được đặt ra và lồng vào ngay từ ý tưởng tạo dựng thương hiệu, trong từng bước xây dựng thương hiệu, và trong cả quá trình phát triển thương hiệu. Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Đỗ Kim Lang nhấn mạnh: thương hiệu chính là yếu tố chủ yếu quyết định khi người tiêu dùng lựa chọn mua sắm, bởi thương hiệu tạo cho họ sự an tâm về thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm rủi ro khi sử dụng. Bên cạnh đó, khi đã có được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư cũng không e ngại khi đầu tư vào doanh nghiệp, bạn hàng của doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng hợp tác kinh doanh, cung cấp nguyên liệu và hàng hóa cho doanh nghiệp. Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng cũng sẽ là hậu quả nếu doanh nghiệp không biết bảo vệ, ông Lang nhấn mạnh.

Nhật Anh