Bảo vệ môi trường ở nông thôn thế nào?

- Thứ Ba, 01/09/2020, 05:38 - Chia sẻ
Có một thời kỳ, chúng ta cứ nghĩ đến nông thôn là nghĩ đến một môi trường thanh bình, cánh đồng bát ngát, gió mát, trăng thanh. Nhưng bây giờ, nông thôn với thành thị chưa biết nơi nào ô nhiễm hơn. Vấn đề xử lý môi trường ở nông thôn hiện nay là một vấn đề nóng đang rất cần được quan tâm khi Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Một thời gian dài trước đây, ở nông thôn đất rộng, người thưa nên chúng ta xử lý rác thải bằng cách vận động mỗi gia đình có một hố rác và chôn rác xuống đó, việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn không đặt ra. Bây giờ, với sự phát triển của dân số, cùng với sự phát triển của xã hội thì đất đai ngày càng một thu hẹp đặt ra vấn đề rất nan giải về thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn như thế nào. Vì thế, một trong những vấn đề Nam Định rất quan tâm khi phấn đấu xây dựng nông thôn mới cũng chính là xử lý rác thải ở nông thôn thế nào? Thời điểm gần đây, ở Nam Định xử lý rác thải bằng cách xây dựng lò đốt rác thải ở quy mô cấp xã, nhưng rồi cũng thấy không ổn. Bởi vì, lò đốt rác thải thì phải có khu tập trung thu gom rác và chính cái lò đốt này khi hoạt động cũng gây ô nhiễm cho các hộ xung quanh.

Vừa qua báo chí cũng đưa tin có một xã ở Nam Định khi xây dựng lò đốt rác thải thì dân phản đối, không cho xây dựng dù việc xây dựng lò đốt rác là để phục vụ cho chính người dân trong xã. Tìm hiểu tại sao người dân phản đối thì được biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, khu thu gom đốt rác thải này phải cách khu dân cư ít nhất là 500m. Tuy nhiên, xã báo cáo là trong địa bàn của xã, nếu quay bán kính 500m thì không có chỗ nào không có nhà dân cả. Cho nên địa điểm xây dựng lò đốt rác mà xã chọn đã là chỗ xa nhất rồi nhưng vẫn ảnh hưởng đến 5 - 7 hộ gia đình, vì thế, các hộ gia đình này phản đối và kiện. Mặc dù việc này đã đưa ra cộng đồng dân cư bàn bạc thảo luận, biểu quyết đại đa số nhưng những hộ dân gần địa điểm xây dựng lò đốt rác đó vẫn kiên quyết phản đối.

Như vậy để thấy rằng, môi trường, trong đó có môi trường ở nông thôn thực sự đang là vấn đề rất bức xúc và phải có những điều chỉnh pháp luật thích hợp với tình hình để có một môi trường lành mạnh hơn. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần tiếp tục phải hoàn thiện hơn nữa. 

Bên cạnh đó, đối tượng điều chỉnh trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo tôi cũng chưa đủ. Dự thảo Luật có hẳn một Chương về bảo vệ các thành phần môi trường gồm nước, không khí, đất, cảnh quan thiên nhiên, sức khỏe môi trường. Thế nhưng, có một lĩnh vực tác động đến sức khỏe hàng ngày và cũng thuộc môi trường thì không được đề cập đến là vấn đề ảnh hưởng của điện từ trường hay nói cách khác là những quy định về điện từ trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nam Định đã có những vụ khiếu kiện về việc lắp đặt trạm thu tiếp sóng di động BTS. Người dân phản đối lắp trạm tiếp sóng trong khu dân cư, lý do là vì ảnh hưởng đến não bộ, nghĩa là sóng điện từ của trạm BTS cũng rất có hại cho sức khỏe. Bây giờ đặt trạm BTS ở gần nhà dân thì dân liên tục phải sống trong môi trường sóng từ trường. Vậy xử lý vấn đề này thế nào? Chưa có Luật nào điều chỉnh vấn đề này. Bây giờ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường chúng ta quan tâm đến môi trường nước, không khí, đất là đúng rồi nhưng môi trường điện từ trường đối với những ngành có liên quan như điện lực, viễn thông lại chưa được đề cập. Tôi đề nghị vấn đề điện từ trường cũng phải được xem xét và đưa vào phạm vi điều chỉnh ở đây.

Dự thảo Luật có rất nhiều mục, trong đó có mục 3 tại Chương 5 về bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực đặc biệt, thậm chí kể cả những lĩnh vực hẹp nhưng tác động rộng như vấn đề mai táng ảnh hưởng đến môi trường. Tuy vậy lại không có quy định nào về vấn đề điện từ trường liên quan đến sức khỏe con người. Vì thế, cần bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đưa vào luật những quy định cụ thể liên quan đến vấn đề điện từ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

ĐBQH Trương Anh Tuấn (Nam Định)