Nhóm tháp G, gồm 5 công trình kiến trúc được đánh số gọi tên từ G1 - G5 tại khu vực Di sản thế giới Mỹ Sơn, được chọn là địa bàn chủ chốt của dự án này. Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Katherine Muller - Marin, lý do chính khiến nhóm tháp G trở thành đối tượng mục tiêu của dự án là bởi phong cách độc nhất trong kiến trúc và sự thuần nhất trong vật liệu được sử dụng cấu thành nhóm công trình này. Đây cũng là nhóm tháp biểu thị rõ nhất phương cách người Chăm cổ sắp xếp, bài trí một khu vực thờ cúng linh thiêng. Nhóm tháp G tọa lạc trên khu đồi cao, và hoàn toàn chưa bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, vốn có thể xảy ra trong khu vực thung lũng. Nhóm công trình này đặc biệt cũng chưa từng bị can thiệp ngoại trừ một số ghi chép sơ bộ của nhà nghiên cứu người Pháp Parmentier hồi đầu thế kỷ XX, và mang ý nghĩa khảo cổ học quan trọng. Dự án thực hiện với nhóm tháp G cũng là dự án can thiệp tu bổ đầu tiên kể từ khi Mỹ Sơn được công nhận là Di sản thế giới năm 1999.
|
Ngoài việc tiến hành khảo cổ, củng cố và tu bổ tháp G1, công trình lớn và quan trọng nhất của nhóm tháp G, dự án đã tiến hành các nghiên cứu, phân tích vật liệu và thử nghiệm các kỹ thuật xây dựng. Sau thành công của Dự án giai đoạn I trong việc nghiên cứu tìm ra chất kết dính hữu cơ với thành phần chính được chiết xuất từ một loại cây phổ biến ở địa phương (dầu rái), giai đoạn II đã khám phá được thành phần cấu tạo của gạch Chăm cổ và sản xuất được gạch Chăm cổ phục chế. Cán bộ điều phối chương trình Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Dương Bích Hạnh cho biết: với nguyên tắc bảo tồn là sử dụng tất cả nguyên liệu cũ cho đến mức có thể, khi bắt đầu trùng tu nhóm tháp G, mọi người đã tìm, thu nhặt vật liệu, trong đó có các viên gạch cổ ở xung quanh tháp. Khi thấy lượng gạch không đủ, phải phục chế, các chuyên gia đã mang một số viên gạch từ Mỹ Sơn sang Italy nghiên cứu. Sau khi phân tích thành phần lý, hóa học, các viên gạch được sản xuất thử ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này phải làm đi làm lại, đến đầu năm 2010 mới đưa loại gạch giống nhất vào trùng tu. Mặc dù gạch phục chế sẽ tiếp tục được nghiên cứu và thử nghiệm nhưng thành công này đã và đang góp phần quan trọng cho việc tu bổ các công trình Chăm cổ ở Việt Nam và cả những công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo trong khu vực Đông Nam Á.
Các tháp Chăm cổ không chỉ nằm ở Mỹ Sơn, mà còn rải rác ở khu vực miền Trung, do đó, việc đào tạo nghề và nâng cao năng lực cán bộ cũng là một ưu tiên trong chương trình phát triển Italy đang hỗ trợ Việt Nam. Đội ngũ cán bộ của Việt Nam trong lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc trùng tu và quản lý di sản được đào tạo về bảo tồn, tu bổ di sản văn hóa áp dụng các chuẩn mực quốc tế về bảo tồn di sản thế giới. Thông qua việc tham gia trực tiếp vào quá trình trùng tu, cũng như qua tư liệu về trùng tu nhóm tháp G, dự án đã đào tạo người dân địa phương các kỹ năng trùng tu. Đồng thời, khi được tiếp cận, đóng góp để bảo tồn di sản, người dân sẽ cảm thấy gần gũi và có trách nhiệm bảo vệ nó.
|
Dự án cũng tư liệu hóa tất cả công trình kiến trúc Chăm cổ tại di sản thế giới Mỹ Sơn, nhằm cung cấp hệ thống dữ liệu cần thiết đối với việc bảo tồn di sản lâu dài. Tiến trình dự án cũng như công tác trùng tu liên quan đã được xuất bản trong cuốn Champa and the Archeology of Mỹ Sơn (ra mắt tháng 12.2008). Đúc rút từ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án, bản in thử cuốn cẩm nang cho việc trùng tu các khu di tích tương tự, đã được giới thiệu. Cẩm nang sẽ sớm được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và phát hành trong thời gian tới ở Việt Nam và thế giới.
Theo Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, sắp tới, ngoài bảo tồn, UNESCO còn hỗ trợ tỉnh Quảng Nam gắn kết văn hóa với du lịch, nhằm thu hút du khách tới Mỹ Sơn, như: đưa ra các gói sản phẩm du lịch mới để thu hút và giữ chân du khách; làm việc với các quản lý tour để giãn khách, tránh tập trung thăm quan vào buổi sáng, tuyên truyền giá trị di sản cho du khách... Khi kết nối du lịch và bảo tồn sẽ nhấn mạnh việc người dân được hưởng lợi ra sao, bởi ngoài việc tham gia trùng tu, người dân còn có thể biến những làng xung quanh thành làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công đặc trưng. Tất nhiên, trước khi thực hiện, UNESCO sẽ tham vấn tỉnh và cộng đồng.
Dự án do phía Italy tài trợ được thực hiện trong 2 giai đoạn: giai đoạn I, từ năm 2003 – 2005, vốn viện trợ không hoàn lại 642.000 USD và giai đoạn II 2006 - 2010, vốn viện trợ không hoàn lại 453.000 USD, thông qua tổ chức ONU UNESCO và do Quỹ Lerici - Đại học Bách khoa Milano phụ trách chuyên môn. Đại sứ Italy tại Việt Nam Lorenzo Angeloni chia sẻ: Tôi và đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia của Italy bị thuyết phục bởi hiệu quả của dự án và sẵn lòng hỗ trợ các giai đoạn tiếp theo. Bảo tồn di sản văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Italy. |