Bao giờ trả lại?

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:46 - Chia sẻ
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, có 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương nằm tại khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình).

Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Giao thông Vận tải; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng cục Thống kê.

Vậy nhưng, hiện rất nhiều bộ, ngành vẫn chưa chuyển về nhà mới. Cụ thể, trong 9 cơ quan đã được bố trí đất, chuyển trụ sở (gồm các Bộ: Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc) thì 7 đơn vị vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ, trong đó có các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ... Một trong hai bộ đã bàn giao cho cơ quan Trung ương quản lý xong đến nay địa điểm này được chuyển cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sử dụng (Bộ Nội vụ). Như vậy, đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được khu đất nào từ các bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Bên cạnh đó, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành.

Trong bối cảnh các bộ, ngành không chịu trả đất như vậy - nghĩa là Quy hoạch cũ chưa thực hiện được thì vào cuối năm tháng 2.2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 205/QĐ-BXD về việc “Nhiệm vụ thiết kế thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội”. Theo Quyết định trên, khu đất xây dựng có diện tích khoảng 35ha sẽ được bố trí cho 12 đơn vị bộ, ngành. Như vậy, để thực hiện được các quy hoạch cũ, mới thì Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt hơn, bên cạnh sự chỉ đạo từ Chính phủ.

Bởi, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg, về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội nhưng đến nay tiến độ vẫn đang rất chậm. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đề cập tới là do vướng từ quy định của Luật Đất đai. Theo đó, trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác. Như vậy, có thể thấy bên cạnh việc cần có cơ chế đặc thù trong việc thu hồi đất để thực hiện các quy hoạch nêu trên, thì Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn, nhất là đối với các bộ, ngành đã có trụ sở mới mà không chịu di dời, bàn giao trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội.

Phạm Hải