Bao giờ thoát khỏi “nghề bới rác” ?

23/09/2011 08:17

Đi bãi, động- danh từ mà mọi người dùng để định danh cho “nghề bới rác” của người dân ba xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nơi có khu "Liên hiệp xử lý rác thải" Nam Sơn. Với những người dân nơi đây, đi bãi là thứ nghề đã nuôi sống gia đình họ, và với một vài người, nghề đi bãi còn giúp họ làm giàu.

Bao giờ thoát khỏi “nghề bới rác” ? ảnh 1
Ao hồ trở thành nơi rửa túi nilon của những người làm nghề đi bãi

Phận rác

Với những người làm nghề đi bãi tại bãi rác Nam Sơn, dụng cụ lao động của họ là móc sắt, bao tải, đèn tự chế, một chiếc xe cải tiến gắn vào chiếc xe máy. Còn dụng cụ bảo hộ thiết yếu nhất của họ là những chiếc khẩu trang thật dày, găng tay, ủng. Khung giờ làm việc của họ là từ 3 đến 6 giờ sáng. Một tuần làm việc 6 đêm. Đây là khung giờ mà những người làm nghề bới rác may mắn thỏa thuận được với ban quản lý bãi rác. Dù quy định cấm người dân vào bãi rác đã đưa ra không ít lần, nhưng những người quản lý khu "Liên hiệp xử lý rác thải" Nam Sơn cũng không thể “cắt đứt” nghề mưu sinh duy nhất của những người dân nghèo nơi đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 2/3 trong số khoảng 700 người bới rác mỗi đêm là người bản địa, thuộc ba xã lân cận bãi rác. Phần còn lại là những người dân nghèo tứ xứ đổ về, từ những vùng xa hơn. Trong đó, có cả những người dân nghèo các xã gần bãi rác của tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Hằng đêm, tùy khoảng cách, có người đi hàng 2 tiếng mới đến công trường rác. Họ tụ tập trước cửa bãi rác, đợi giờ mở cửa, ào vào lượm lặt những thứ mà thiên hạ đã vứt đi mà có thể bán được, bỏ vào bao tải, họ bới và bới, tay chân thoăn thoắt, đôi mắt mở to trong khi lồng ngực cố gắng thở nhẹ để khỏi phải hít mùi sú khí. Trời sáng, họ trở về nhà, tắm rửa rồi đi ngủ, chiều dậy bắt đầu phân loại các loại rác đã lượm được, và giặt túi nilon. Công việc cứ đều đặn, dù nắng hay mưa, đêm hè nóng bức hay đêm đông lạnh cắt da cắt thịt. Những “người đồng nghiệp” chỉ nhìn thấy nhau lờ nhờ trong bóng đêm ấy cần mẫn mưu sinh giữa đống rác của xã hội.

Anh Tạ Văn Công, người thôn Tiên Chu, xã Bắc Sơn  chia sẻ, đi bãi cũng cực lắm. Khổ nhất là cái mùi nó ám vào người. Dù tắm rửa thế nào thì đi đâu người ta cũng nhận ra là “dân đi bãi”. Anh Công là lao động duy nhất trong gia đình có 4 miệng ăn, mẹ anh là bà Tạ Thị Hến mắc bệnh tim bẩm sinh, mất hoàn toàn khả năng lao động, thường xuyên phải uống thuốc. Vợ anh là chị Thăng hàng ngày ở nhà chăm con nhỏ, chăm mẹ già và phụ giúp anh giặt túi nilon bới được.

Anh Nguyễn Văn Chiến, người có thâm niên hơn 6 năm làm nghề đi bãi ở thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn cho biết, trung bình mỗi đêm anh cũng kiếm được từ 150 – 180 nghìn đồng. Thu nhập này bao gồm cả một công tranh thủ của người vợ trẻ ở nhà rửa và phơi nilon. Trung bình 1kg túi nilon có giá khoảng 4 nghìn đồng. Bên cạnh túi nilon, những người đi bãi sẽ lượm tất cả những thứ gọi chung là nhôm đồng sắt vụn và các loại nhựa có thể tái chế.

Thôn Lương Đình có trên 320 nóc nhà thì có tới 3/4 gia đình có người làm nghề đi bãi. Trưởng thôn Lương Đình Nguyễn Văn Ngà cho biết, nghề đi bãi ở thôn có từ cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, cùng với sự ra đời của bãi rác Nam Sơn. Hơn 90% hộ dân của Lương Đình làm nghề nông, đi bãi không hẳn là một nghề, nhưng đó là kế sinh nhai của những người dân trong thôn. Công việc bới rác dù mang tiếng là “hôi hám” nhưng thu nhập gấp mấy lần làm ruộng, địa phương lại không có nghề phụ nên đa số bà con những lúc nông nhàn đều đi bãi.

Chuyện quanh bãi rác

Trước hết, đó là những câu chuyện gặp may, đổi đời của những phận người bới rác. Nhân dân quanh vùng vẫn kể cho nhau nghe trường hợp chị M. ở thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn. Mấy năm cặm cụi làm nghề bới rác, một hôm chị nhặt được 11 cây vàng mà ai đó “bỏ” trong bãi rác. Chị đổi đời, xây nhà gác, xong vẫn chưa khi nào bỏ nghề đi bãi. Những chuyện nhặt được vài chục triệu, vài triệu, chuyện nhặt được dây chuyền vàng, bạc của những người bới rác thi thoảng lại rộ lên và luôn là đề tài bàn tán trong những câu chuyện của người dân quanh vùng. Nhiều nhà làm nghề bới rác xây được nhà tầng nhà gác, sau mỗi ngôi nhà là những câu chuyện gặp may “bắt được vàng” của chủ nhân của chúng. Rồi chuyện những người bới rác bị rác đè mất tăm mất tích, nhiều khi, những người bới rác lại xúm lại bới rác để tìm người bới rác…

Những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tật và sức khỏe thì người dân vẫn chưa quan tâm lắm. Mặc dù, theo chị Đào Thị Luyện, người thôn Lương Đình, ở trong thôn hiện có khoảng 80 người bị bệnh tiểu đường, nhiều trẻ em bị viêm phế quản, tiêu chảy. Cái thấy rõ nhất là sự ô nhiễm của xóm làng với những chiếc xe rác được kéo về mỗi sớm; ao, hồ, kênh mương giờ trở thành nơi rửa túi nilon; không khí thường xuyên có mùi khó ngửi…

Le lói hy vọng

Là 1 trong 7 xã nghèo nhất của huyện Sóc Sơn, thu nhập bình quân đầu người của xã Bắc Sơn năm 2011 còn phải phấn đấu đạt trên 4 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trong toàn xã xấp xỉ 40%. Theo lãnh đạo xã Bắc Sơn, đa phần những người làm nghề bới rác tuổi dưới bốn mươi, chưa tốt nghiệp THPT nên rất khó để định hướng giải quyết công ăn việc làm cho họ. Những con em trong xã mà đã tốt nghiệp phổ thông hiện đều đi học nghề hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu liên hợp chứa và xử lý chất thải Nam Sơn, hiện Nam Sơn chỉ còn khoảng 8ha chứa rác thải trên tổng số 83,3ha được quy hoạch thiết kế. Nếu không được mở rộng, thì bãi rác Nam Sơn sẽ đầy và đóng cửa trong một vài năm tới. Khi bãi rác đóng cửa cũng có nghĩa là những người làm nghề đi bãi sẽ “thất nghiệp”. Thông tin này làm những người đi bãi có vẻ buồn. Nhưng với những người dân sống quanh bãi rác thì đó lại là thông tin vui. Dù đã được áp dụng công nghệ xử lý hiện đại, mùi hôi thối từ bãi rác thi thoảng lại bốc ra thôn xóm trong vòng bán kính khoảng 3km.

Ông Ngà trưởng thôn Lương Đình chia sẻ, hiện tỷ lệ người dân đi bãi đã giảm dần. Một số người chuyển sang đi làm gạch hoặc làm công việc khác. Một số mô hình trồng cây công nghiệp, nuôi ong đang được triển khai tại một số hộ dân. Hiện các thôn trong xã đang tiến hành rà soát khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới. Hy vọng với những chính sách đồng bộ, đời sống của người dân nơi đây sẽ từng bước cải thiện và thoát nghèo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bao giờ thoát khỏi “nghề bới rác” ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO