Bao giờ sửa Luật Đất đai?

- Thứ Ba, 15/06/2021, 07:59 - Chia sẻ
Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 do Chính phủ trình. Đáng chú ý, Luật Đất đai vẫn vắng bóng trong kế hoạch làm luật năm tới, mặc dù trước đó, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã lên kế hoạch trình Chính phủ trong quý IV.2021 và quý I.2022; sau đó trình Quốc hội vào quý IV.2022 và quý II.2023.

Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai thiết nghĩ đã quá rõ ràng! Cuối năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013. Vào lúc đó, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia đều cho rằng đây là thời điểm chín muồi để xem xét lại chính sách, pháp luật quản lý đất đai - nguồn tài sản vô giá nhưng có hạn, và sửa ngay những vấn đề mấu chốt với một tư duy mới. Tháng 6.2018, Quốc hội nhất trí đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Vì nhiều lý do, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) 2 lần xin rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (năm 2019 và 2020). Để rồi trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu nói đây là một “món nợ” với cử tri. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử Quốc hội Khóa XV vừa qua, hầu như ở đâu cử tri cũng kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa Luật Đất đai. Rất nhiều ứng cử viên đã tiếp thu ý kiến cử tri và hứa sẽ quan tâm thúc đẩy tiến trình này.

Tổng thể những bất cập của Luật Đất đai sẽ được làm rõ trong quá trình tổng kết thi hành. Dù vậy, những gì diễn ra trong thực tế cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn để phát triển đất nước. Tiêu cực, sai phạm đang có mặt ở hầu hết tiến trình thực thi quyền lực đối với đất đai và ở hầu khắp các địa phương, mà phổ biến hơn cả là trong thu hồi và giao đất, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm... Trong khi những lỗ hổng đến từ hệ thống pháp luật đất đai chưa hoàn thiện vừa tạo môi trường cho tham nhũng, vừa làm thất thoát tài sản nhà nước; thì những mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất đã và đang làm xấu đi mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền.

Có lẽ đây là một phần lý do Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai. Theo tinh thần đó, sửa Luật Đất đai phải là vấn đề cấp bách, không thể lùi được nữa.

Tờ trình của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp hôm qua không nhắc tới Luật Đất đai nhưng có nêu nguyên tắc: việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 phải bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình, nhất là các dự án cần ban hành, sửa đổi để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng theo Văn kiện Đại hội XIII. Có thể dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nằm trong dư địa đó! Tuy vậy, với ý nghĩa, tầm quan trọng và sự bức thiết của việc sửa Luật Đất đai, mọi công đoạn trong quá trình lập pháp phải được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất với kế hoạch, thời hạn rõ ràng và bảo đảm sự tuân thủ, thay vì đặt trong trạng thái “linh hoạt” như vậy!

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp hôm qua hơn một lần yêu cầu phải tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật với rất nhiều khía cạnh như: Bảo đảm yêu cầu thể chế hóa chủ trương của Đảng; không “lạm dụng” Nghị quyết của Quốc hội; ban hành luật phải đánh giá đầy đủ tác động; không chấp nhận dự án luật nào không nằm trong chương trình và sẽ bác bỏ những dự án luật không chuẩn bị kỹ lưỡng... Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Cương quyết giữ Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và nội dung, chất lượng của nó, không phải cứ có cái gì thì đưa vào”. Tiến trình sửa đổi Luật Đất đai có lẽ cũng không nằm ngoài những nguyên tắc đó!

Hà Lan