Xem - Nghe - Đọc

Bao giờ “Hoàng tử bé” trở về?

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 06:32 - Chia sẻ
Giữa những ngày buồn bã u ám của dịch bệnh, sau những bề bộn chói gắt của chuyện đời, sao tôi cứ nhớ về hoàng tử bé tinh khôi trong vắt. Dẫu biết, thật khó để em có thể trở về hành tinh khốn khổ của chúng tôi thêm một lần nữa…

Với tôi, “Hoàng tử bé” là nhân vật đáng yêu nhất trong số tất cả những nhân vật của mọi cuốn tiểu thuyết trên đời, bởi em là sự chưng cất tinh túy nhất cái thuần khiết, trẻ thơ trong sâu thẳm mỗi con người; và bởi em gợi nhắc cho loài người một ký ức mơ hồ thuở nguyên sơ trong trẻo, nhẹ như gió, lành như nước, mong manh như hương hoa, ngọt ngào như sự ngây thơ luôn khiến ta ứa nước mắt bởi nó đã vĩnh viễn rời bỏ con người, loài người hình như từ lâu lắm.

Tuy nhiên, loài người yêu quý em mà không bao giờ muốn đồng hành với em, nuối tiếc em mà kiên quyết không bao giờ đưa em trở lại với mình, họ ghê sợ nhưng vẫn ngưỡng mộ những khái niệm như “trải nghiệm”, “trưởng thành"…- nơi ấy không có em!

Để một ngày, giữa trùng điệp văn minh, ai đó lại ngập ngừng muốn gọi em trở về. Như tôi hôm nay, giữa những ngày buồn bã u ám của dịch bệnh, sau những bề bộn chói gắt của chuyện đời, sao tôi cứ nhớ về hoàng tử bé tinh khôi trong vắt. Dẫu biết, thật khó để em có thể trở về hành tinh khốn khổ của chúng tôi thêm một lần nữa.

Khi tâm trí con người nghèo nàn tới mức sự hữu ích vật chất trở thành tiêu chí, thành thước đo duy nhất để đánh giá, thẩm định mọi giá trị trên đời, dù là một đóa hoa hay ngôi nhà, rất nhiều người muốn tìm tới em, để nhận ra nghịch lý kỳ quặc trong những điều luôn được coi là hợp lý của cuộc sống. Chẳng hạn như người bạn Trái đất của Hoàng tử bé đã chia sẻ: “Nếu bạn nói với những người lớn: "Tôi đã thấy một cái nhà gạch màu hồng với hoa phong lữ trên cửa sổ, và chim bồ câu trên mái... ", họ chẳng làm thế nào mà hình dung nổi cái nhà ấy như thế nào đâu. Phải nói với họ: "Tôi đã thấy một cái nhà 10 vạn franc". Họ sẽ kêu ngay: "Ôi thật xinh đẹp làm sao!” - màu gạch, sắc hoa, và thậm chí cả những đôi chim bồ câu tình tứ cũng không đem lại giá trị cho ngôi nhà như giá tiền 10 vạn franc của nó - cho nên, nhiều cô gái “quên” cắt mác chiếc ví hay túi xách của mình chỉ để thiên hạ nhận ra giá trị của “hàng hiệu”! 

 Em có sống được trong thế giới ấy không?

Khi thời đại kỹ thuật số cuốn nhân loại vào cuộc chạy đua những con số, từ số hiệu Iphone tới sim 3G, 4G, 5G…; khi những con số ước lệ hoặc ngọt ngào hoặc cay đắng nhưng luôn đều tình tứ và ý nhị trong ca dao như “Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không…”, “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo em cũng qua” bị thay bằng những con số lạnh lẽo, tanh bẩn có đơn vị là tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ trong những đại án quan tham…, một số người sẽ nhớ tới em, chia sẻ sự phản cảm của em khi tới tinh cầu của một nhà doanh nghiệp, khi em không thể hiểu vì sao “ông ta không hề ngửi một bông hoa. Không hề ngắm một vì sao. Không hề yêu một người nào. Ông ta chẳng bao giờ làm cái gì khác những bài tính cộng”! 

Em có sống được trong thế giới ấy không?

Khi các cô gái không còn buồn bã hỏi người yêu: “Sao mà anh ngốc thế?/ Không nhìn vào mắt em?” mà dồn dập đưa mẫu nhà, xe, trang sức… cùng thác suối ngôn từ thuyết phục đậm mùi đa cấp; khi đôi lứa không còn lặng lẽ “Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau” mà tung tình yêu lên mạng xã hội trong những thứ được gọi là status lổn nhổn tiếng lóng, nhớp nháp lời tục, lủng củng tiếng Việt, na ná tiếng Anh đính kèm vài trăm bức ảnh giơ tay chúm mỏ…; khi những đấng bậc đức cao vọng trọng “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”, hùng biện, rao giảng những điều chính họ không tin, thi thoảng đọc gần đúng vài câu thơ thư ký họ chép sẵn…, khi ấy, đôi ba người sẽ ngậm ngùi nhớ em, hiểu vì sao em sợ gã khoác lác “chẳng nghe thấy gì ngoài những câu ca ngợi”, chia sẻ cùng em cảm nhận về Trái đất: "Cái hành tinh này buồn cười thật!... Nó khô khốc, và nhọn hoắt và mặn chát. Và những con người thì thiếu hẳn óc tưởng tượng. Họ chỉ lặp lại những gì họ đã nghe...”! Khi ấy, loài người sẽ càng thêm thấm thía lời khẳng định của Cáo, bạn em: “Ngôn ngữ là nguồn gốc của ngộ nhận” sau khi đã chỉ ra phương thức giao tiếp nguyên sơ chân thật nhất của con người với con người: “Nó đơn giản thôi: Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy”…! 

Trong một bài viết gần đây về Xuân Quỳnh, tôi có nói tới việc đàn bà yêu bằng cảm nhận của trái tim, trong khi đàn ông yêu bằng kết quả tri giác của đôi mắt, “Bài thơ nói về trái tim anh lại viết bằng bộ óc” - bộ óc sẽ mượn tới ngôn từ làm phương tiện chuyển tải, còn trái tim chỉ lặng lẽ cảm nhận. Nhờ Cáo, Hoàng tử bé đã hiểu các cư dân trên hành tinh này chế tạo ra một phương tiện giao tiếp thay thế trái tim, đó là ngôn từ. Và trong thực tế, thế giới này được liên kết và chia lìa, tạo dựng và phá hủy… cũng bằng ngôn từ, trong thế giới mù lòa, người ta không thể nhìn thấy ánh mắt hay ngôi sao trong lòng nhau, họ phải nhờ ngôn từ trợ giúp. 

Em có sống được trong thế giới ấy không?

Khi người ta đi tìm nguyên nhân, giải pháp trong những bài toán luẩn quẩn về con gà - quả trứng, về giao thông với chuyện quy hoạch và tắc đường; về giáo dục với chương trình, sách giáo khoa, thi cử, về giáo viên và đội ngũ giáo viên dạy giáo viên; về một số chủ trương giáo điều may ra hợp với mây trời và đôi ba nhà thơ…, một số rất ít người có thể mơ hồ nhớ tới em. Bởi hình như ngày xa ấy, em đã từng bức bối vì sự luẩn quẩn vô nghĩa như thế này trong một vài tinh cầu, khi gặp một người tìm thấy ý nghĩa lớn nhất của cuộc đời trong “nhiệm vụ sáng tắt đèn và tối thì thắp”, cả việc tắt và thắp đèn cùng chỉ nhằm mục đích tuân thủ điều lệnh. Em đã từng ngạc nhiên khi gặp gã lái buôn bán những viên thuốc chống khát nước, nhằm mục đích tiết kiệm cho mỗi người, mỗi tuần lễ năm mươi ba phút để “muốn làm gì thì làm”, trong khi “ông hoàng nhỏ nghĩ thầm, nếu ta có năm mươi ba phút để làm gì thì làm, ta sẽ bước thật nhẹ nhàng đến một cái nguồn nước”. Em đã gặp nhà doanh nghiệp bận rộn thống kê, tính đếm và sở hữu những vì sao trong vũ trụ; gặp nhà địa lý “không chịu rời khỏi cái bàn của mình”, tiêu phí phần lớn thời gian trong cuộc đời vào việc vẽ bản đồ, và kỳ dị nhất là nhà địa lý tuyệt đối tin vào những cuốn sách địa lý mà ông ta đã viết bằng hồi ức của những người ông ta chẳng bao giờ tin, ông ta cho rằng đó là những cuốn sách "... chính xác nhất. Chẳng bao giờ lỗi thời cả. Chẳng mấy khi một quả núi lại chuyển chỗ. Chẳng mấy khi một đại dương lại cạn nước. Chúng ta viết nên những điều vĩnh cửu”…! 

 Em có sống được trong thế giới ấy không?

Và nhiều nhất, người ta nhớ tới em không phải vì không ai chịu lớn mà vì tất cả đã trở thành người lớn, cả thế giới chen chúc những người lớn, người cằn khô trong toan tính, kẻ già cỗi khi đọc được và học theo mọi toan tính ấy, chân thành thành ngốc nghếch, mơ mộng thành viển vông, lời yêu như giả dối, nỗi đau như diễn hài… - khi ấy, những kẻ lạc loài sẽ khao khát được gặp em, để được em “cảm hóa”, để yêu và được yêu…, những kẻ cô đơn sẽ mong có được một sự chờ đợi khiến người ta có thể đủ năng lượng hạnh phúc cho cả cuộc đời sau đó: “Nếu cậu đến, chẳng hạn như lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ, mình đã cảm thấy hạnh phúc. Thời khắc càng trôi, mình lại càng hạnh phúc. Đến bốn giờ thì mình phát cuồng lên và lo lắng; và mình sẽ hiểu cái giá của hạnh phúc”!

Đến bao giờ thế giới này lại biết đỏ mặt khi nghe lời em từng nhận xét: “Ông nói như các người lớn ấy”? Đến bao giờ chúng ta lại biết nghe tiếng nói của trái tim, lời thầm thì nũng nịu của một cánh hoa hồng, nhận ra món quà tặng ngọt ngào “êm đềm như một ngày hội” dẫu chỉ trong một cốc nước hay nhành hoa? 

Đến bao giờ chúng ta tìm thấy điều mình khao khát, đến bao giờ ta đủ tình yêu và niềm tin để nhắm lại “con mắt mù lòa”, để “tìm kiếm với trái tim”? 

Đến bao giờ chúng ta hiểu rằng thế giới này đẹp hơn rất nhiều khi ta mỉm cười và nhận được nụ cười từ cuộc sống? Và đến bao giờ chúng ta nhận ra con rắn có giọng nói êm như gió thoảng, có thể trườn nhẹ như một làn nước chảy và cũng đủ nọc độc để giết ta trong 30 giây?

Có lẽ khi ấy, hoàng tử bé sẽ trở về với hành tinh cằn khô, khốn khổ này!

Trịnh Thu Tuyết