Ghi nhận của phóng viên tại tuyến đường sắt đoạn qua khu vực đường Trần Phú - Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho thấy, dù khoảng cách từ tâm đường sắt đến nhà dân chưa đầy 1m (quy định tiêu chuẩn là 6m) nhưng các cửa hàng của các hộ dân ở đây đã tận dụng đường ray tàu để bày bàn ghế bán nước, đồ ăn vặt phục vụ khách hàng vào các buổi trưa và chiều. Số đông khách hàng có thú vui ngồi trà đá, cà phê ngắm tàu hỏa chạy ở đây đa số là các bạn trẻ và du khách nước ngoài. Khi được hỏi về hành vi nguy hiểm này, hầu hết hộ kinh doanh và ngay cả các khách hàng đều trả lời rằng họ đã nắm chắc giờ tàu chạy và biết lúc nào phải rời đi.
Tương tự, trên các tuyến đường sắt đi qua khu vực xóm đường tàu Khâm Thiên, đường Lê Duẩn, Giải Phóng… (quận Đống Đa), tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt cũng diễn ra khá phổ biến. Người dân nơi đây cho biết, từ một gia đình mở quán cà phê thu hút nhiều khách khiến cho các hộ khác đua nhau mở hàng quán, khiến khu vực đường tàu ngày càng đông đúc, có những khu đã lên đến hàng chục hộ. Vì thuộc giờ tàu chạy nên người dân vô tư sinh hoạt, để vật dụng, đồ đạc vào đường ray, để xe máy sát mép đường ray. Chưa kể, khách du lịch nước ngoài và đông đảo bạn trẻ vô tư đứng trên đường ray chụp hình mà không hay biết nguy hiểm đang rình rập.
Nội thành là vậy, còn ở khu vực đường sắt các tuyến ngoại thành Hà Nội, nhiều hộ dân còn phá thanh chắn tàu để thuận tiện cho việc kinh doanh, thậm chí xây nhà kiên cố, làm hàng rào, mái che, mái vẩy, tự mở lối đi, gây mất ATGT đường sắt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đông đảo người dân không chấp hành điều khiển của nhân viên gác chắn, tự ý nâng barie vượt qua đường ngang khi tàu chuẩn bị chạy qua. Điều này vừa gây bức xúc cho các nhân viên gác chắn, vừa gây nguy hiểm cho chính những người vi phạm và uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn đường sắt. Rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khi các xe bất ngờ bị chết máy vì cố tình vượt đường tàu khi đã có lệnh cấm.
Được biết, thực trạng vi phạm hành làng ATGT đường sắt đã diễn ra từ nhiều năm. Lực lượng CSGT Đường sắt, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến các hộ dân vi phạm, để nâng cao ý thức tự giác tháo dỡ, trả lại nguyên trạng hành lang đường sắt. Bên cạnh đó, tuần tra, kiểm soát thường xuyên ở khu vực đường ngang; tổ chức cưỡng chế, giải tỏa quán cóc, tháo dỡ mái bạt, mái hiên tạm vi phạm. Đồng thời, xử phạt hành chính và yêu cầu các hộ vi phạm ký cam kết không tái lấn chiếm hành lang đường sắt. Tuy nhiên, do mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, lực lượng chức năng mỏng, ý thức người dân chưa cao dẫn đến việc giải tỏa hành lang đường sắt mãi như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Với 160km đường sắt đi qua, trong đó nhiều đoạn xuyên tâm thành phố, qua các khu vực đông dân cư, Hà Nội đang được đánh giá là địa phương có tình hình vi phạm hành lang ATGT đường sắt phức tạp nhất cả nước. Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, đến năm 2018, thành phố Hà Nội tồn tại gần 1.200 điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Nếu tình trạng vi phạm cứ tiếp tục diễn biến phức tạp thì các vụ TNGT sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài ý thức chấp hành ATGT của người dân, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc trả lại hành lang an toàn, không gian hoạt động đúng quy định cho các chuyến tàu, cũng là để giảm thiểu TNGT đáng tiếc có thể xảy ra.