Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh xáo trộn

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:32 - Chia sẻ
Thống nhất với đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng và ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của cả 2 dự thảo Luật để phân định rành mạch các vấn đề có sự trùng lặp, làm rõ các quy định có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, cần nghiên cứu, có thể thống nhất thành một đạo luật về bảo đảm an toàn giao thông, gồm cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường không… nhằm bảo đảm sự lâu dài của luật khi được xem xét, thông qua.

Rõ ràng, chuyên sâu và trách nhiệm hơn

Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, và trình Quốc hội song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng dự án Luật này là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm 2 lĩnh vực là: bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải đường bộ. Do đó, việc tách bạch rõ ràng 2 lĩnh vực này để xây dựng 2 đạo luật riêng điều chỉnh cụ thể đối với từng lĩnh vực là cần thiết, sẽ quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn, nhất là đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc xây dựng và ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Ủng hộ phương án này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, đối tượng, phạm vi điều chỉnh cũng như mục tiêu cần đạt được thì đều rất tách bạch, rõ ràng thể hiện trên hồ sơ chất lượng rất bảo đảm. Việc chuẩn bị như vậy đã lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức hội thảo, đánh giá tác động, lấy ý kiến của thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều đồng thuận cao.

Cho rằng đây là đạo luật "tiến bộ và có thể người dân sẽ đón nhận", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu khẳng định, các quy định chi tiết đủ rõ và có thể khái quát những điều bất cập trong thực tiễn, đặc biệt nhiều quy định hiện hành, kể cả trong cuốn sách học lái xe ô tô, cũng đã được quy định trong dự thảo luật này. Rất chi tiết và cụ thể.

Khẳng định tính phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách bạch với Luật Giao thông đường bộ hiện hành thể hiện quyết tâm cao hơn của 2 bộ chủ quản. Đồng thời, cũng bảo đảm tính rõ ràng hơn, chuyên sâu hơn và trách nhiệm cao hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp  

Ảnh: Quang Khánh 

Bảo đảm tính ổn định, tránh xáo trộn

Trong Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4.9.2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông nêu rõ: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới”. Dẫn ra nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu nói một cách thẳng thắn thì bây giờ hiểu "hoàn thiện" trong đó có việc làm mới, ban hành một luật mới, nhưng hiểu theo câu chữ thì Chỉ thị của Ban Bí thư giao rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó có cả Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy, luật về đường sắt, đường hàng không. “Hôm nay ta sửa luật này theo cách hiểu như thế, hôm sau chúng ta cũng phải sửa Luật Đường sắt, đường không, đường thủy theo hướng này”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, có thể thấy, vấn đề nhận thức, ý thức của người dân điều khiển giao thông, những người quản lý về vấn đề giao thông có một bộ phận không nhỏ chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông thời gian qua. Cho rằng, điều này xuất phát từ văn hóa giao thông, văn minh của xã hội, nhưng câu hỏi đặt ra là: “Sau khi có luật này và luật kia, nhưng vấn đề đó có chuyển được nhận thức không, chuyển được ý thức thi hành công vụ hay không”. Nêu thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Chính phủ cần rà soát thật kỹ, những phạm vi nào thuộc quản lý nhà nước của bộ nào, đã có thực tiễn, đã có kinh nghiệm thì phải bảo đảm tính ổn định, không phải xáo trộn.

Để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của hai dự án luật, từ đó phân định rành mạch những quy định có sự trùng lặp, làm rõ những nội dung có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Và, phải nghiên cứu, có thể thống nhất thành một đạo luật về bảo đảm an toàn giao thông, bao gồm cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường không… nhằm bảo đảm sự lâu dài của đạo luật khi được xem xét, thông qua.

Nhấn mạnh đây là dự án luật có nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, người tham gia giao thông được dư luận quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đơn giản cải cách hành chính, giảm  tối đa phiền hà có thể có cho nhân dân.

Trung Thành