Bảo đảm tính bền vững của nguồn nước

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 09:42 - Chia sẻ
Luật Kiểm soát ô nhiễm nước liên bang năm 1948 là đạo luật quan trọng đầu tiên của Mỹ nhằm bảo vệ nguồn nước sạch. Để tăng cường sự quan tâm và nâng cao nhận thức cộng đồng, Luật đã được sửa đổi một cách sâu rộng vào năm 1972 và được đổi tên thành Luật Nước sạch.

Mục tiêu và biện pháp

Luật Nước sạch được xây dựng với 2 cách tiếp cận chính là: Quy tắc bảo vệ chất lượng nước dựa trên việc thiết lập các tiêu chuẩn có thể thực thi áp dụng cho hóa chất, vật lý và sinh học trong nguồn nước; Tiến hành biện pháp bảo vệ môi trường nước dựa trên yêu cầu về công nghệ xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất, nhằm bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Cấu trúc chính của Luật gồm 3 phần: Thứ nhất, quy định nguồn ngân sách quốc gia dành cho chính quyền địa phương để xây dựng các công trình, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt cho các địa phương. Lúc đầu, chính quyền các địa phương được nhận một khoản trợ cấp của Chính phủ và được bao cấp hoàn toàn, nhưng sau một thời gian chính quyền Liên bang cung cấp nguồn ngân sách này cho các địa phương dưới dạng cho vay, được gọi là Chương trình Quỹ Quay vòng kiểm soát ô nhiễm nước (CWSRF). Theo chương trình CWSRF, Ngân sách Liên bang sẽ cung cấp tài chính cho các bang để tạo ra quỹ quay vòng nhằm hỗ trợ tài chính với hình thức tài trợ hoặc cho vay để xây dựng hệ thống xử lý nước thải địa phương, quản lý các nguồn thải ô nhiễm diện và bảo vệ các dòng sông. Quỹ cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại, ví dụ lãi suất cho vay trung bình là 2,3% so với lãi suất thương mại là 5% năm 2009. Tới 2009, các Quỹ địa phương đã cho vay 5.2 tỷ USD với 1.971 dự án trong cả nước.

Thứ hai, các bang phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nước cụ thể, những tiêu chuẩn này rất nghiêm ngặt đối với chất lượng nước của các ao, hồ, sông, suối trong bang. Cụ thể, Luật đề ra mục tiêu với tất cả nguồn nước phải bảo đảm cho bơi lội và đánh bắt cá vào năm 1983. Mọi nguồn ô nhiễm phải được loại bỏ vào năm 1985. Trong bộ luật này nhằm hướng tới tập trung xử lý những vấn đề ô nhiễm đã được xác định triệt để (mọi nguồn từ ống cống đến rãnh nước thải) đều phải được xử lý, kiểm soát theo Luật.

Cuối cùng, tất cả các nguồn nước thải công nghiệp cũng như sinh hoạt thải ra môi trường đều bắt buộc phải có giấy phép xả thải. Nước thải (đô thị và công nghiệp) phải được xử lý thứ cấp và nếu cần sẽ xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi cho phép xả thải. Tiêu chuẩn nước quốc gia phải do Cục Bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) phê chuẩn và được áp dụng tuân thủ trên toàn quốc trừ khi các bang, tiểu bang có quy định nghiêm ngặt hơn. Các hành vi xả thải chưa có giấy phép của EPA bị coi là bất hợp pháp. Trong quá trình triển khai luật EPA chịu tránh nhiệm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các bang.

Điểm quan trọng trong Luật Nước sạch là quy định về giấy phép xử lý nguồn ô nhiễm điểm. Nguồn ô nhiễm điểm được định nghĩa trong Luật là mọi nguồn nước xác định phải có nguồn gốc rõ ràng, có giới hạn xả thải; mọi sự xả thải là bất hợp pháp nếu không có giấy phép, tất cả các nhà máy công nghiệp đều phải sử dụng “công nghệ hiện đại và tốt nhất”, các hệ thống xử lý nước thải đều phải sử dụng phương pháp xử lý thứ cấp. Đồng thời, cần phải tăng cường kiểm soát, nhằm bảo đảm chất lượng nước an toàn cho con người và động vật thủy sinh. Giấy phép xả thải được EPA hoặc chính quyền các bang ban hành 5 năm một lần. Giấy phép bao gồm các nội dung chính: các hạn mức thải, các quy định giám sát, lưu giữ và báo cáo.

Chế tài mạnh mẽ

Nếu một đối tượng xả nước thải từ đường ống (tức là từ một nguồn điểm) ra môi trường mà không có giấy phép theo luật định, hoặc có giấy phép nhưng xả thải vượt quá giới hạn trong giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính nghiêm trọng, thậm chí bị truy tố hình sự.

EPA có thể đưa ra các lệnh xử phạt hành chính đối với những người vi phạm và có thể kiện những người này ra tòa về các tội danh hình sự nếu cần thiết. Vi phạm lần đầu do sự thiếu cẩn trọng có thể phạt từ 2.500 - 25.000 USD/ngày vi phạm hoặc có thể bị phạt tù tới một năm. Nếu vi phạm lần 2, mức phạt có thể tăng tới 50.000 USD/ngày. Vi phạm nguy hiểm, mức phạt có thể lên tới 250.000 USD/ngày hoặc bị tù tới 15 năm cá nhân, 1.000.000 USD đối với tổ chức.

Tuy nhiên, những hình thức này không phải áp dụng tự động, mà là EPA sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để áp dụng hình thức chế tài cho phù hợp. EPA có thể ban hành các quy định cưỡng chế hành chính buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và chính quyền các bang cũng có thể ban hành các quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm. Hiện nay, ở Mỹ chỉ còn 4 bang mà EPA trực tiếp quy định chế tài xử phạt còn 46 bang còn lại, chính quyền các bang trực tiếp quy định các hình thức, chế tài xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, ở 46 bang, EPA vẫn có quyền can thiệp vào việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế và xử phạt cần thiết nếu như chính quyền các bang không thực hiện trách nhiệm một cách nghiêm minh. Những thông tin về việc vi phạm trong xả thải của doanh nghiệp sẽ được công khai minh bạch cho người dân. Các cơ quan có thể kiện các doanh nghiệp nếu không tuân thủ các yêu cầu về môi trường đã đưa ra. EPA có thể kiện doanh nghiệp, người dân nếu vi phạm và người dân cũng có thể kiện EPA.

Luật cũng tạo điều kiện cho việc tài trợ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo chương trình tài trợ xây dựng. Luật nhận thức được sự cần thiết phải lập kế hoạch giải quyết các vấn đề nghiêm trọng do những nguồn gây ô nhiễm khuếch tán (nghĩa là không bắt nguồn từ một điểm nhất định hoặc không được thải vào dòng thu nhận từ một nguồn thải cụ thể) gây ra.

Quốc Đạt