Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”

Bảo đảm sự liên kết với các vùng, tiểu vùng

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:10 - Chia sẻ
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường TS.Tăng Thế Cường chia sẻ tại tọa đàm
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường TS.Tăng Thế Cường chia sẻ tại Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chuyên môn và các địa phương vùng ĐBSCL. Tại Hội nghị năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cũng đã đưa ra một cách tiếp cận để ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng trong tương lai. Quy hoạch tích hợp được đặt ra ở đây sẽ được đặt theo quan điểm Nghị quyết 120 đó là thuận thiên. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL. Đây chính là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường cho biết, vấn đề về quy hoạch tích hợp này sẽ này sẽ được tính đến đầy đủ về tự nhiên. Ví dụ như sông nước, vùng cao, vùng thấp, vùng trung, các vấn đề của các tiểu vùng, vấn đề xã hội, văn hóa, con người của vùng để nhận diện đầy đủ thực trạng và khắc phục những “manh mún” trước đây mà các quy hoạch không giải quyết được. Quy hoạch tích hợp có giá trị cộng hưởng thành một thể thống nhất. Tất cả các quy hoạch ngành, ví dụ quy hoạch đất đai, quản lý tài nguyên nước, khai thác khoáng sản đều tác động đến vấn đề sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn, canh tác…

Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long
Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh nguồn: vneconomy.vn)

Như vậy, quy hoạch phải đảm bảo tính tổng thể, toàn diện cả vùng, đồng thời đảm bảo sự liên kết với các vùng khác, đảm bảo sự kết nối với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Thậm chí phải tính đến quy hoạch của các quốc gia thượng nguồn trong việc hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các nước tiểu vùng sông Mekong. Lưu ý rằng các phương án quy hoạch tài nguyên nước rất quan trọng vì 95% lượng nước của ĐBSCL là từ bên ngoài chảy vào, từ các nước trên thượng nguồn sông Mekong. Trong khi đó các quốc gia ở thượng nguồn cũng khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phát triển thủy điện và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Cho nên, ĐBSCL vừa chịu tác động kép của những vấn đề xâm nhập mặn, sụt lún, biến đổi khí hậu vừa chịu tác động từ hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Do vậy các vấn đề về kinh tế, xã hội, tự nhiên, tài nguyên môi trường rất quan trọng đối với quy hoạch tích hợp này. Quy hoạch tài nguyên nước phải bổ sung, hỗ trợ cho quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy sản, mang lại sinh kế việc làm của người dân. Phương án quy hoạch đê điều trong quy hoạch tích hợp cũng phải gắn với phát triển giao thông, góp phần phát triển bền vững chứ không thể tách rời.

T. T