Gia nhập Hiệp ước Marrakesh

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người khiếm thị

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:41 - Chia sẻ
Tạo điều kiện để người khiếm thị tiếp cận thông tin sẽ giúp họ nâng cao dân trí, trau dồi kiến thức; đồng thời góp phần đào tạo nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay cơ hội tiếp cận tri thức của người khiếm thị đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng khan hiếm sách định dạng. Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh có góp phần giải quyết được vấn đề này?

Khan hiếm sách, giảm cơ hội tiếp cận 

Theo Tổng điều tra dân số, Việt Nam có khoảng 1 triệu người khiếm thị. Đặc biệt, nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho thấy: tỷ lệ biết chữ của người mù là 38,5%; tỷ lệ việc làm của người mù là dưới 21%. Có thể thấy, hiện số lượng người người mù biết chữ đang chiếm tỷ lệ rất thấp, trong khi đó cơ hội tiếp cận tri thức là quyền cơ bản của mỗi người được pháp luật ghi nhận.

Tình trạng đói sách của người khuyết tật đang xảy ra phổ biến và trầm trọng. Cụ thể: nguồn tài liệu theo định dạng dễ tiếp cận còn thiếu và không hệ thống; số lượng sách giáo khoa tiểu học bằng chữ Braille mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn số lượng các sách THCS, THPT ít hơn rất nhiều. Ở cấp đại học, sinh viên gần như không có tài liệu học tập theo định dạng dễ tiếp cận; nhiều địa phương vẫn còn tình trạng học sinh mù, khiếm thị không có sách giáo khoa chữ nổi để học… Tỷ lệ các tài liệu khác được chuyển đổi còn rất nhỏ so với kho tàng các tác phẩm đã công bố. 

Tăng khả năng tiếp cận thông tin cho người khiếm thị

Đáng chú ý, hiện nay sản xuất sách cho người không có khả năng đọc chữ in rất khó khăn, cần 3 - 4 công đoạn chuyển đổi từ bản gốc. Phải sử dụng các phần mềm chuyển đổi, phải theo định dạng riêng dễ quan sát nhất cho người mù. Bảng biểu, tranh ảnh, hình vẽ phải chuyển đổi tốn thời gian và công sức  hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo không có file mềm trực tiếp từ đơn vị bản quyền mà phải đánh máy hoặc scan lại từ bản cứng nên tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, do giới hạn pháp lý, người không có khả năng đọc chữ in và các tổ chức hỗ trợ chưa tiếp cận được với các nguồn sách dễ tiếp cận.

Tình trạng khan hiếm sách đang làm giảm đi những cơ hội tiếp cận với y tế, giáo dục, việc làm hoặc tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị, tự kỷ, người gặp khó khăn trong học tập hoặc người khuyết tật vận động không cầm được sách và lật được sách. 

Vào ngày 27.3.2013, Hiệp ước Marrakesh đã được tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới thông qua tại TP Marrakesh, Morocco. Đây là hiệp ước đầu tiên về sở hữu trí tuệ tạo điều kiện cho việc sản xuất, phân phối và chia sẻ xuyên biên giới các cuốn sách ở định dạng dễ tiếp cận, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin cho những người khiếm thị và khuyết tật chữ in nói chung. Tính đến tháng 11.2020 đã có 76 nước gia nhập Hiệp ước Marrakesh, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan...

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Diana Torres nhận định: nạn đói sách đang cản trở nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa những nguyên tắc của các Mục tiêu phát triển bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau và trước tiên, vươn tới hỗ trợ những người ở phía sau cùng. Để chúng ta có thể đạt được mục tiêu này, những rào cản thông tin đối với người khuyết tật chữ in cần được xóa bỏ và Hiệp ước Marrakesh chính là giải pháp mà chúng ta đang tìm kiếm.

Đồng quan điểm với bà Diana Torres, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cho rằng nạn đói sách vẫn còn là một thực trạng chưa nhận được nhiều sự quan tâm, ít được biết đến. Việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp ước Marrakesh sẽ góp phần thúc đẩy việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và tri thức, là yếu tố thiết yếu giúp người khuyết tật nâng cao kiến thức kỹ năng, tạo việc làm, thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo.

Kinh nghiệm của các nước đã tham gia Hiệp ước cho thấy, Hiệp ước Marrakesh đã mở ra một môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho những người không có khả năng đọc chữ in, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung. Đáng chú ý, các bên ký kết cho phép đối tượng thụ hưởng được thực hiện các hành vi như tạo các bản sao dễ tiếp cận, phân phối các bản sao dễ tiếp cận trong nước, truyền đạt tác phẩm tới công chúng, xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận… mà không cần phải xin phép chủ thể quyền tác giả. 

Hiện, với sự hỗ trợ UNDP, Hội Người mù Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành các hoạt động như in ấn, thu âm, các tài liệu quan, tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu về Hiệp ước. Đồng thời, tham vấn các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế về quy trình gia nhập Hiệp ước. Từ đó, xây dựng lộ trình thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước. Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2804/VPCP-QHQT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thúc đẩy gia nhập Hiệp ước Marrakesh.

Nguyễn Ngân