Chú trọng kiện toàn về tổ chức
Theo báo cáo của Cục Trợ giúp pháp lý, đến hết năm 2023, trên toàn quốc có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, 97 chi nhánh, 1.228 người làm việc trong các Trung tâm, với 676 trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh đó, còn có 180 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (26 tổ chức ký hợp đồng, 174 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý); 675 cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý (32 cộng tác viên và 643 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý).
Để nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện cho trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác, Cục Trợ giúp pháp lý và các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức, nghiệp vụ về kỹ năng tham gia tố tụng, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em hoặc xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho trẻ em...
Thời gian qua, từ năm 2018 đến hết năm 2023, các địa phương đã triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho trẻ em, thông qua các vụ việc cụ thể và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho hơn 20.000 lượt trẻ em; trong đó khoảng 14.000 vụ việc tham gia tố tụng.
Qua theo dõi cho thấy, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày càng tăng lên, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em thường là những người có kinh nghiệm chuyên môn và am hiểu tâm lý trẻ em. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý tích cực theo dõi các thông tin liên quan đến trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, có thể thấy, các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em (bao gồm trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bạo lực…) đều được đánh giá đạt chất lượng khá và tốt, nhiều vụ việc hiệu thành công, hiệu quả. Nhiều quan điểm, lập luận bào chữa, bảo vệ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được Công an, Viện kiểm sát, Tòa án ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ việc. Từ những kết quả đó, đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ việc một cách tốt nhất và bảo đảm tính kịp thời.
Phong phú, đa dạng về công tác truyền thông
Song song với việc kiện toàn về mặt tổ chức, việc phối hợp liên ngành trong trợ giúp pháp lý cho trẻ em, việc truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày càng đa dạng, phong phú… Theo đại diện Cục trợ giúp pháp lý, công tác phối hợp liên ngành trong trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với việc triển khai các quy định về thông tin, thông báo trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình tố tụng.
Trong đó có thể kể tới Dự án "Nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa, tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhóm yếu thế, dễ tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em phù hợp với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan" do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam thực hiện từ tháng 6.2023 đến tháng 4.2024 tại Hà Nội và Hòa Bình. Đây là 1 trong 10 sáng kiến thuộc hợp phần dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp phê duyệt.
Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, dự án được triển khai ở Việt Nam trong nhiều năm và hiện nay, đang được triển khai ở nhiều địa bàn khác nhau, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp trong việc bảo vệ quyền của nhóm yếu thế, gồm phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong các vụ án xâm hại trẻ em trên cả nước. Thời gian qua, được sự cộng tác của các luật sư và sự hỗ trợ kỹ thuật của Ban dự án, dự án đã được triển khai một cách đồng bộ trên mọi địa bàn và đi vào hoạt động. Nhiều trẻ em bị xâm hại đã được thụ hưởng những quyền và lợi ích hợp pháp, được bảo vệ kịp thời, nhanh chóng.
Để trẻ em có điều kiện tiếp cận sớm với dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đang triển khai các nội dung về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ, trực tại Tòa án Nhân dân và xây dựng điểm cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý và tham gia phiên tòa trực tuyến. Cùng với đó, việc Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Hội Bảo vệ trẻ em, UBND cấp xã, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… trong trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày càng được quan tâm.
Việc truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cũng được quan tâm và đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; nhất là trong thời gian gần đây, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện nhiều hình thức truyền thông về trợ giúp pháp lý.
Trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em như xây dựng, phát sóng các thông điệp, tiểu phẩm, phóng sự, diễn án về các vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, các tài liệu truyền thông về trợ giúp pháp lý, video về trợ giúp pháp lý cho trẻ em; tổ chức một số đợt truyền thông điểm về trợ giúp pháp lý và thông qua các bảng tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan về trợ giúp pháp lý cũng như quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em…