Hà Nội

Bảo đảm phương án sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh

- Thứ Ba, 20/07/2021, 20:39 - Chia sẻ
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, ngành nông nghiệp Thủ đô cần bảo đảm các phương án sản xuất nông nghiệp, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm. Nhất là, bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân trên địa bàn…

Đó là nội dung được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025 đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban quý II.2021 diễn ra chiều 20.7. 

Tại Hội nghị này, Ban chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Kế hoạch tổ chức Hội nghị cấp thành phố Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM đạt 11.464,9 tỷ đồng

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Theo đánh giá tại hội nghị, trong quý II, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 đã ban hành Quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ các thành viên và Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình; đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu tổng kết Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo đúng hướng dẫn của Ban Kinh tế Trung ương. Đồng thời, thẩm định huyện Chương Mỹ và 2 xã của huyện Ba Vì đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của thành phố có hiệu quả kinh tế cao; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết đã đem lại hiệu quả thiết thực; các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường, nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết; các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng về doanh thu, giá trị, ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng NTM tại các địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt…

Tính đến hết quý II, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM của TP Hà Nội đạt 11.464,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 43,07%. Đến nay, có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM; 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn NTM; 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã NTM nâng cao, đang phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2021. Toàn thành phố có 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP… Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố giải quyết việc làm cho hơn 96.700 lao động, đạt 60,5% kế hoạch năm…

Tuy nhiên, nguồn lực xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều; hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu…

Không để đứt gãy các chuỗi cung ứng 

Những tháng cuối năm, thành phố định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vương mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày; quan tâm đến trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển các mô hình trồng cây dược liệu, cây cung cấp nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ dưới tán rừng; tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, đặc biệt là hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4….

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận Hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 đề nghị: UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình 04 bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng đô thị; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025. Các quận tiếp tục nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng NTM, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, huyện phấn đấu hoàn thành huyện NTM năm 2021 và năm 2022.

Đối với công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; nghiên cứu xây dựng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại; thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn, đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề có thế mạnh phát triển kết hợp du lịch nông thôn…

Bên cạnh đó, trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, cần bảo đảm các phương án sản xuất nông nghiệp, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân trên địa bàn thành phố…

HUYỀN LOAN