Chương trình nông thôn mới ở Long An

Bảo đảm hiệu quả, toàn diện và bền vững

- Thứ Sáu, 17/12/2021, 06:32 - Chia sẻ
Góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL, đồng thời phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Long An được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Thiết thực, cụ thể và hiệu quả

Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An được triển khai nhất quán theo quan điểm xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh, môi trường, cảnh quan, không gian làng quê luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, giữ được những nét văn hóa đặc trưng của không gian nông thôn ĐBSCL thanh bình, thoáng đãng.

Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, góp phần xây dựng nông thôn mới Nguồn: ITN
Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, góp phần xây dựng nông thôn mới
Nguồn: ITN

Theo đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, hiện nay Long An đã có 106/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 7 xã của huyện Châu Thành và 1 xã của huyện Cần Giuộc. Diện mạo làng quê có nhiều đổi thay đáng kể, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, chợ nông thôn, nhà văn hóa ở hầu hết các xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn.

Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi quanh năm đến trung tâm các xã. Bên cạnh đó, ngành điện đã huy động mọi nguồn vốn, để triển khai đầu tư các công trình cấp điện khu vực nông thôn. Nhiều dự án điện quan trọng đã được đầu tư và có tác động tích cực đến nông nghiệp và nông thôn.

Nhờ cách triển khai hợp lý, đồng bộ các giải pháp, vai trò chủ thể của người dân đã được phát huy một cách thực chất, góp phần đưa xây dựng nông thôn mới của Long An trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), toàn tỉnh đã huy động được trên 123 nghìn tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 10,5%; vốn doanh nghiệp, nhân dân góp và vốn tín dụng đạt tới 89,5%.

Theo lãnh đạo tỉnh Long An, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới rõ rệt. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và là tiền đề quan trọng để Long An hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Trong giai đoạn 2021- 2030, Long An nỗ lực phấn đấu làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ; xã hội nông thôn dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”; hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh trật tự được củng cố.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 10 năm tới, tỉnh Long An phấn đấu bảo đảm “hiệu quả, toàn diện và bền vững”; trong đó, hiệu quả về sử dụng các nguồn lực; toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp, các vùng; bền vững về môi trường…

Đặc biệt, chỉ có phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự thành công. Người dân vừa là chủ thể tham gia, đồng thời là người thụ hưởng chính những thành quả của nông thôn mới, chung tay, góp sức gìn giữ và tiếp tục nâng chất các tiêu chí. Để làm được điều này, cần tích cực tuyên truyền, giúp người dân hiểu đúng ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giải thích để người dân hiểu quá trình xây dựng nông thôn mới Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn vai trò chính vẫn là người dân.

Trong quá trình triển khai, mỗi địa phương đều nhất quán với phương châm: tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt “3 tự” là tự quản, tự bàn bạc và tự quyết định xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Chính quyền các cấp xác định “công khai, minh bạch” là cốt lõi nhằm phát huy tính dân chủ ở cơ sở và luôn tạo điều kiện để người dân có quyền quyết định việc sử dụng, giám sát nguồn vốn do mình đóng góp. Đặc biệt, cần triển khai chắc chắn, thận trọng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng hộ dân.

Vân Phi