Bảo đảm chính sách khả thi

- Thứ Hai, 12/07/2021, 06:08 - Chia sẻ
Trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 58, trong đó sẽ cho ý kiến về đề xuất Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình). Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là nguồn vốn đầu tư khoảng bao nhiêu để bảo đảm Chương trình này thực hiện được hiệu quả?

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc. Hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Tuy vậy, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết.

Để giảm bớt áp lực cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là những địa phương còn khó khăn, nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đa số các thành viên Chính phủ đều nhất trí với tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần thiết phải bố trí cho Chương trình khoảng 51.500 tỷ đồng bao gồm: 38.845 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 12.655 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng Thẩm định nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là, với điều kiện ngân sách thực tế hiện nay, khoản tiền dành cho Chương trình là bao nhiêu mới phù hợp và bảo đảm tính khả thi?

Việc dành nguồn lực xây dựng nông thôn mới để nông dân được thụ hưởng nhiều hơn từ Chương trình là cần thiết. Nhưng phải nhìn vào thực tế, ngân sách của chúng ta còn nhiều khó khăn, do đó, cần phải dự liệu, phân tích thấu đáo tình hình thực tiễn trước khi quyết định.

Chúng ta cần tính toán cẩn trọng khi đưa ra nguồn vốn đầu tư cho Chương trình này, bởi trong báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã nêu thực trạng: nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định. Vốn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp cho Chương trình đạt thấp, chỉ đạt 12,1% trong khi theo quy định là 17%. Đây là bài học mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để quyết định nguồn vốn dành cho Chương trình lần này hợp lý.

Nước ta đã và đang phải đối diện với dịch Covid-19 hoành hành. Nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của đại dịch, số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng lên. Trong khi dịch vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng, lan rộng ở nhiều tỉnh thành, việc thu ngân sách Nhà nước ở giai đoạn tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chúng ta cùng lúc ngân sách phải “chia 5, sẻ 7” cho nhiều nhiệm vụ khác: đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách tiền lương, an sinh xã hội… Do đó, có ý kiến cho rằng, tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 nên dành khoảng 39.632 tỷ đồng là phù hợp.

Việc quyết định bố trí khoảng 51.500 tỷ đồng hay 39.632 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là điều mà Chính phủ, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tính toán thấu đáo để bảo đảm tính khả thi của Chương trình. Tránh tình trạng chương trình, chính sách thì hay nhưng khi bắt tay vào làm lại thiếu nguồn lực để thực hiện.

Song Hà