Sổ tay:

Bảo đảm chất lượng văn bản pháp luật

- Thứ Năm, 27/05/2021, 08:13 - Chia sẻ

Dự thảo báo cáo về việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đang được Bộ Tư pháp xây dựng. Theo đó, sẽ có 17 luật, 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhằm khơi thông vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Tại Dự thảo, các bộ, cơ quan có liên quan đã xác định cụ thể nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và tiến độ thực hiện đối với 17 luật, 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành.

Dự thảo cũng đề cập tới việc rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, 435 văn bản được đề xuất, kiến nghị có chồng chéo, thiếu đồng bộ. Các kiến nghị này tập trung vào một văn bản như: Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…

Trước đó, tại Báo cáo số 442/BC-CP ngày 1.10.2020 về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, Chính phủ đã rà soát 8.779 văn bản, tập trung vào 10 lĩnh vực trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như: quy định điều kiện gia nhập thị trường; tổ chức, quản lý và hoạt động doanh nghiệp; thuế; sử dụng vốn nhà nước… Từ kết quả rà soát này, Chính phủ cũng đã chỉ ra hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi bổ sung như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Đất đai; Luật Năng lượng nguyên tử…

Như vậy, qua Báo cáo số 442/BC-CP và Dự thảo Báo cáo nêu trên có thể thấy một số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới là rất lớn. Từ thực tế này, Bộ Tư pháp kiến nghị đối với các văn bản quy phạm pháp luật được đề cập tại Báo cáo số 442/BC-CP đã được các bộ, ngành thống nhất về nội dung, xác định rõ thời hạn, tiến độ xử lý thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký Quyết định ban hành các Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để xử lý dứt điểm kết quả rà soát văn bản, làm cơ sở để các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh kiến nghị, đề xuất xử lý chưa được đề cập tại Báo cáo số 442/BC-CP, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xem xét, nghiên cứu trong năm 2021.

Tuy nhiên, điều quan tâm là các đề xuất sửa đổi nêu trên phải bảo đảm phù hợp với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh năm 2021. Đây là áp lực không nhỏ đối với các bộ, ngành liên quan. Bởi trong danh mục vô số các văn bản cần sửa đổi, bổ sung - các bộ, ngành cần lựa chọn văn bản nào ưu tiên sửa đổi, bổ sung để giải quyết được những vướng mắc từ thực tiễn; đồng thời lại bảo đảm được chất lượng văn bản. Điều này càng khó hơn khi đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật từ nhiều năm qua không đổi, thậm chí bị thu hẹp lại.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nêu thực tế đáng quan tâm là: một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật. 

Phạm Hải