Nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP
Để học sinh được hưởng môi trường học tập lành mạnh và có bữa ăn bảo đảm an toàn, chất lượng, mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh là làm thế nào để có nguồn thực phẩm sạch đầu vào cũng như việc nghiêm túc triển khai các biện pháp an toàn vệ sinh theo chỉ đạo đề ra. Tại các cuộc họp về tăng cường giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường đặc biệt quan tâm đến vệ sinh ATTP, triển khai hướng dẫn điều kiện bảo đảm an toàn trường học, những việc cần làm khi trẻ em mầm non, học sinh, học viên đi học trở lại.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, để bảo đảm vệ sinh ATTP bếp ăn tập thể, các cơ sở giáo dục phải tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc yêu cầu về điều kiện ATTP theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12.11.2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc các khâu. Cụ thể, người chế biến thức ăn phải đeo khẩu trang khi chế biến, khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến và học sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đối với trường hợp những người có các triệu chứng ho, sốt, khó thở thì không được bố trí làm việc tại cơ sở.
Theo đó, tại khu vực chế biến thức ăn, mỗi trường đều phải có nơi rửa tay, đầy đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp, túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trúc Đào, xã Tam Xuân II (huyện Núi Thành, Quảng Nam) Trần Thị Liên cho biết, mặc dù trong tuần đầu học sinh đi học lại, trường vẫn chưa tổ chức bán trú nhưng công tác vệ sinh ATTP đã sẵn sàng. Không chỉ những ngày gần đây mà trong cả thời gian học sinh nghỉ học vừa qua, giáo viên, nhân viên trường vẫn chia phiên nhau vệ sinh trường lớp và chăm bón “vườn rau của bé” để chuẩn bị bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng khi đi học trở lại. Trường đã dọn dẹp, sát khuẩn khu vực nấu ăn và các dụng cụ chế biến trước cả tuần, khu vực ăn, ngủ của các em cũng được bố trí phù hợp giãn cách an toàn.
Người nấu ăn tại cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang khi chế biến thực phẩm |
Nguồn: ITN |
Cần sự phối hợp của phụ Huynh
Cùng với nỗ lực của các cơ sở giáo dục, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, vai trò của phụ huynh trong việc tham gia chuẩn bị bữa ăn cho con cũng như giám sát bữa ăn học đường rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả 3 bên gồm đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm hai chiều giữa nhà trường - phụ huynh trước vấn đề dinh dưỡng của trẻ.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm việc công bố, công khai nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung cấp thực phẩm tại các trường học và mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát, theo dõi. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh về thời gian qua, việc xâm nhập vào bếp ăn tập thể của các trường rất khó khăn, thậm chí phải có lý do rất đột xuất như đón con về buổi trưa thì mới có thể quan sát bữa ăn của các con.
Trên thực tế, những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần là phụ huynh được tham dự hoặc để truyền thông ghi hình thường được nhà trường bố trí, xếp lịch chuẩn bị trước. Như vậy, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Vì vậy, cần có một cơ chế thống nhất giữa các nhà trường và đại diện hội phụ huynh để cha mẹ có thể theo dõi, kiểm soát được bữa ăn hàng ngày của con em mình bất kể lúc nào mà không cần phải báo trước.
Đồng thời, ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về bảo đảm ATTP sau khi học sinh trở lại trường; phối hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh ATTP, bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm qua tiếp xúc cho học sinh trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài.
Thêm vào đó, cần tiếp tục thành lập ban giám sát ATTP; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình nhập thực phẩm vào nhà trường, sơ chế, chế biến thực phẩm hàng ngày; kiểm tra quá trình nhập sữa, tổ chức uống sữa, thu gom vỏ hộp, kiểm thực ba bước, lưu mẫu hàng ngày.