Báo chí cách mạng từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc

- Thứ Ba, 20/04/2021, 20:31 - Chia sẻ
Những ấn phẩm, hiện vật báo chí có tuổi đời trên 70 năm, gắn liền với biết bao câu chuyện làm báo trong rừng, làm báo ở chiến khu... Càng gian khổ, càng hiểm nguy, càng năng động sáng tạo, trưng bày và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946 - 1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc” đã tái hiện một giai đoạn đầy tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Soi chiếu lịch sử

Khai mạc trưng bày và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946 - 1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc” diễn ra chiều 20.4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam. Ý tưởng này đã được ấp ủ từ lâu khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn chưa ra đời, khi các cán bộ Bảo tàng lần đầu được cầm trên tay những ấn phẩm, hiện vật báo chí có tuổi đời trên 70 năm. Theo nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đó là những “di sản” quý giá, gắn liền với câu chuyện làm báo trong rừng, làm báo ở chiến khu... Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận về sự ra đời và đóng góp vừa độc đáo, vừa rất đỗi tự hào của hoạt động báo chí tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng.

Cắt băng khai mạc Trưng bày
Các thế hệ nhà báo cắt băng khai mạc Trưng bày “Báo chí Việt Nam 1946 - 1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc”

Soi chiếu vào lịch sử báo chí từ 75 năm trước, có thể thấy những thời khắc quan trọng, sự khai sinh của nhiều tờ báo lớn, những sự kiện nổi bật, những thành tựu và đóng góp to lớn của báo chí đối với lịch sử đất nước và dân tộc. Các hiện vật, ấn phẩm được nghiên cứu và khai thác, tái dựng với tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử gắn liền với một số hoạt động và sự kiện báo chí tiêu biểu, gắn liền với Thủ đô Hà Nội năm 1946. Hoàn cảnh bấy giờ đầy bão tố, thù trong giặc ngoài, mà hừng hực khí thế “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Sứ mệnh đặt lên vai báo chí và các nhà báo cũng tự khẳng định ý chí cách mạng của mình. Nhiều ý kiến nhận định, báo chí giai đoạn này thực sự đã có bước trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc. Bằng chứng còn lưu dấu trên những tư liệu, hiện vật được gây dựng và để lại từ lao động sáng tạo và sự cống hiến, hy sinh của cả một thế hệ nhà báo - chiến sĩ.

Trưng bày báo chí về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6.1.1946)

Xuyên suốt trưng bày là những dấu mốc của báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là những dấu mốc của lịch sử đất nước. Năm 1946, mở đầu và kết thúc với hai sự kiện lớn: Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (6.1.1946), và Ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), báo chí Việt Nam đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền và đấu tranh cách mạng, góp phần đem đến thành công của hai sự kiện trên.

Đơn cử là những bài viết, phóng sự, bài phỏng vấn và những hình ảnh đăng trên “Quốc hội” - tờ báo chỉ xuất bản duy nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên, và tin tức cập nhật nóng hổi, hình ảnh sinh động về Quốc hội Khóa I trên số báo đặc biệt mang tên “Vì nước” xuất bản tháng 11.1946... Tất cả cho hình dung rõ nét hơn không khí sôi nổi, tự hào của đất nước trong thời điểm này. Từ đây, Hà Nội và cả nước đã chính thức bước vào cuộc kháng chiến thần thánh và Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến, Thủ đô của báo chí chiến khu.

Từ Thủ đô gió ngàn

Một vùng rừng núi hiểm trở thuộc Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, gồm nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã... đã được chọn làm căn cứ cách mạng gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ. Ra đời sớm trong bối cảnh chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946 - 1954), Chiến khu Việt Bắc còn có tên gọi An toàn khu (ATK Việt Bắc), được coi là lớn nhất và hội đủ các điều kiện thuận lợi về địa lý, lịch sử, kinh tế để xây dựng căn cứ địa cách mạng thời kỳ này. Đó cũng là cái nôi của báo chí cách mạng.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân kháng chiến” và tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, những năm từ 1946 - 1954, nhiều cơ quan báo chí lớn như Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Sự thật, Cứu quốc, Độc lập... kịp thời rút lên Việt Bắc. Một số cơ quan báo chí lớn và nhiều báo chí khác chính thức ra đời. Hội Nhà báo Việt Nam ra đời, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất được thành lập...

Báo Sự thật số 131 ra ngày 15.4.1950, Nhân dân số 184 ra ngày 12 - 15.5.1954, Quân đội Nhân dân số 22 ra ngày 2.6.1951

Có thể kể những cái tên ấn tượng trong làng báo Việt Nam, đã xuất bản số đầu tiên ngay giữa chiến khu và đến với rộng rãi công chúng trong thời kỳ này như: Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an mới... Cũng có thể thấy rõ hơn những hình ảnh sinh động, trung thực về đời sống kháng chiến qua ống kính các nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội gồng gánh lên chiến khu, không chỉ tạo nguồn ảnh thời sự cho báo chí chiến khu mà còn cung cấp những tư liệu ảnh vô giá, có người mở cả hiệu ảnh ở chiến khu như hiệu ảnh của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu...

Độc đáo là câu chuyện làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ, tòa soạn báo hoạt động ngay cạnh các chiến hào và sát cánh với bộ đội. 33 số báo ra đời giữa chiến trường chính là một huyền tích có thật của báo chí thời kháng chiến. Thời kỳ này, nhiều tên tuổi lớn đã khẳng định được ngòi bút chiến đấu ngay trên các trang báo ra đời trong kháng chiến và tiếp tục bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp báo chí trong nhiều thập kỷ qua.

Cùng ôn lại lịch sử đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1946 - 1954
Ôn lại lịch sử đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1946 - 1954

Lịch sử đã khẳng định, trong khó khăn, gian khổ, báo chí vùng ATK Việt Bắc đã nỗ lực không ngừng, tạo được những dấu ấn tích cực, đóng góp không nhỏ vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Như lời Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam: “Ngày hôm nay, chúng ta cùng hòa vào không gian tái hiện hình ảnh chiến khu xưa, cùng xem lại và lắng nghe những câu chuyện một thời của ATK Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, vùng đất gắn với những câu chuyện làm báo, những nỗ lực và hy sinh của một thế hệ nhà báo - chiến sĩ với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Tất cả đã và đang tiếp tục để lại những bài học quý giá về nghề báo, về kỹ năng tác nghiệp báo chí trong chiến tranh, trong những hoàn cảnh đặc biệt...”

Thái Minh