Báo ân quan Ngự sử - ngẫm về đạo làm quan thời nay

- Thứ Năm, 04/03/2021, 05:47 - Chia sẻ
Trang nghiêm, cổ kính dưới chân núi Bạch Tỵ, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ không chỉ là nơi linh thiêng thờ tự vị quan triều Lê thanh liêm, cương trực, vì dân mà còn là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia - niềm tự hào của phường Đậu Liêu nói riêng và thị xã Hồng Lĩnh nói chung. Tưởng nhớ công lao của ông, hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân thị xã và khắp mọi miền Tổ quốc lại hội tụ về đây để tổ chức Lễ báo ân Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng về một vị quan thanh liêm, dám nói, dám làm vì dân, vì nước mà đời sau cần học tập, noi theo.

Vị quan bạo nói, không sợ quyền thế

Theo gia phả họ Bùi - Đậu Liêu, Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390 tại xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, Bùi Cầm Hổ nổi tiếng thông minh. Thời kỳ học hành, ông nổi tiếng với vụ án cháo lươn, minh oan cho người phụ nữ bị kết tội giết chồng. Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau khi nghe tấu trình về cậu học trò giải án oan giết người thì rất phục, mời Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng, đặc cách ban cho chức quan Ngự sử, dù thời điểm đó ông chưa thi đỗ. Về sau Bùi Cầm Hổ có 30 năm được phong làm quan trong triều đình nhà Lê và có đóng góp công trạng to lớn cho đất nước. Ông được sung chức đi sứ nhà Minh 3 lần vào những năm 1433, 1437, 1439. Về hưu, ông đã có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Đậu Liêu. Sau khi Bùi Cầm Hổ mất, Nhân dân đã lập đền thờ ghi nhận công lao to lớn của ông với nước với dân. Ông mất năm 1483, hưởng thọ 93 tuổi. Năm 1992, đền thờ Bùi Cầm Hổ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Người dân Đậu Liêu về dự Lễ hội báo ân tuân thủ quy trình khử khuẩn
Ảnh: Bình Nguyên

Không chỉ nổi tiếng với vụ án cháo lươn, Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ là vị quan bạo nói, thẳng thắn, không ngại cường quyền, vì dân cho đến cuối đời. Chuyện kể rằng sau khi Lê Thái Tổ (Lê Lợi) qua đời, vua Lê Thái Tông lúc ấy còn nhỏ, Đại Tư đồ Lê Sát làm phụ chính, ỷ thế khai quốc công thần, chuyên quyền, có nhiều quyết định trái ý vua, không theo di chiếu của Lê Thái Tổ. Bùi Cầm Hổ lúc đó giữ chức quan Ngự sử trung thừa (chức quan can gián giúp việc cho hoàng đế), nhận thấy hành vi của Lê Sát không đúng, ông đã thẳng thắn can vua Thái Tông nên theo lời di huấn của vua cha. Vua Thái Tông nghe theo, cương quyết giữ phép tắc của Lê Thái Tổ. Do nhiều lần chỉ trích sự chuyên quyền của Lê Sát, ông bị điều đi làm An phủ sứ ở Lạng Sơn. Sau khi vua Thái Tông trưởng thành, trấn áp thế lực của Lê Sát, Bùi Cầm Hổ được quay lại kinh thành phục chức.

Trong suốt mấy chục năm quan trường, ông luôn thanh liêm, thẳng thắn, giữ trọn đạo, được Nhân dân yêu mến, triều thần nể trọng. Đến khi cáo lão về quê Đậu Liêu (70 tuổi), ông vẫn một lòng chăm lo cho Nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân từ những việc đơn giản hàng ngày đến việc lớn như giải quyết vấn đề thủy lợi bảo đảm nước tưới, an ninh lương thực, để người dân có cuộc sống no đủ. Đó là hành trình ông nghiên cứu địa hình khe Nhà Trò, ngăn đập Nhâm Xá để dẫn nước tới chân ruộng. Ngày nay, đập Nhâm Xá đã kiên cố vững chãi, khe Nhà Trò vẫn bình yên tuôn dòng chảy trong veo, xả nước cho các cánh đồng hạ du, người dân no đủ, hàng năm tề tựu báo ân ông - vị quan thanh liêm, hết lòng vì Nhân dân.

Bài học làm quan thời nay

Nhân ngày lễ báo ân, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ vị quan thanh liêm, khẳng khái, cùng ngẫm về đạo làm quan của thời nay và bài học về lựa chọn cán bộ, đại biểu của dân sao cho xứng tầm cũng có những điều thú vị. Đó là bài học về khuyến khích, trọng dụng và sử dụng nhân tài của vua Lê Thái Tổ, biết Bùi Cầm Hổ có tài, mặc dù chưa đỗ đạt nhưng vua Thái Tổ đã phong cho Bùi Cầm Hổ làm quan. Vậy, thời nay chúng ta học tập điều gì ở nội dung này? Cần có cơ chế đặc biệt nào cho những người tài đã được chứng minh qua thực tiễn mà chưa có điều kiện bổ sung bằng cấp?…

Trong sử dụng Bùi Cầm Hổ, biết ông là người khẳng khái, bạo nói, rõ ràng không ngại va chạm, vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông đã bổ nhiệm chức quan Ngự sử trung thừa (quan can gián), bởi chỉ những người thẳng thắn, dám nghĩ, dám nói, dám đấu tranh thì việc đảm nhận chức quan này mới hoàn thành được nhiệm vụ nước; nếu a dua, xu nịnh, dĩ hòa vi quý thì rất tai hại và 2 vị vua đã sử dụng đúng người. Xác định hiền tài là nguyên khí quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong điều kiện mới. Theo Người, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc. Chọn được người có tài đã quý nhưng biết cách dùng người thì mới quý. Theo Bác, việc dùng người có đức, có tài còn phải biết tùy tài mà dùng, "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy" không thể thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Việc hai vị vua tiền Lê sơ sử dụng quan Ngử sử họ Bùi âu cũng là từ đạo lý ấy.

Cả cuộc đời ông là minh chứng hùng hồn cho người “cán bộ” trọn vẹn với dân, với nước. Biết đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ tính mạng Nhân dân, dám đấu tranh, không ngại va chạm, không sợ thiệt thòi về bản thân. Đến khi nghỉ hưu cũng vui buồn với niềm vui dân gian, chia sẻ với dân Kẻ Treo (Đậu Liêu) vì hạn hán, mất mùa và cùng với Nhân dân tìm cách dẫn nước khe Nhà Trò, đắp đập Nhâm Xá để ổn định thủy lợi. Người làm quan có tâm, có tầm như vậy lẽ dĩ nhiên được Nhân dân yêu mến, lập đền thờ báo ân… Nối tiếp ông, bao thế hệ cán bộ thời nay có nhiều người có tấm lòng nghĩ cho dân, cho nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, cuộc sống của Nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên, trong dòng chảy của thời gian, cũng có những cán bộ đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân, tham ô hủ hóa, Nhân dân xa lánh…

Chuẩn bị bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong khói hương báo ân Đô đài Ngự sử, chúng ta cùng suy ngẫm sâu sắc về đạo làm quan thời nay và mong muốn, tin tưởng cử tri và Nhân dân ta sẽ lựa chọn ra được những người cán bộ có phẩm chất đáng quý, những người đại biểu dân cử thẳng thắn, dám nói, dám đấu tranh vì lẽ phải như Bùi Cầm Hổ để chèo lái con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn cập bến hạnh phúc cho Tổ quốc, cho đồng bào.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh