Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Bản lĩnh, trí tuệ, quyết liệt đổi mới

- Thứ Tư, 21/07/2021, 08:13 - Chia sẻ
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, khởi đầu cho việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, các đại biểu Quốc hội tin tưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nhân sự lãnh đạo cấp cao được kiện toàn sẽ luôn phát huy được bản lĩnh, trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thành trọng trách trước Quốc hội và Nhân dân.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị): Lửa thử vàng

Một bài toán khó đặt ra đối với Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 là phải điều hành đất nước trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhưng tôi tin rằng, với sự tận tâm, vì dân, vì nước, các lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thực hiện được lời hứa trước cử tri và thực hiện hiệu quả cam kết, lời tuyên thệ trước quốc dân đồng bào.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội với sự tín nhiệm của 100% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt. Trước đó, ông đã có khoảng thời gian nhiều thử thách trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia khi lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp 2021 - 2026 trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid - 19.

Tuy nhiên, "lửa thử vàng, gian nan thử sức", Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đã cùng với các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ và cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức rất thành công cuộc bầu cử. Quốc hội cũng đã cùng với Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là hai bài "test" quan trọng, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng lực của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo cấp cao được kiện toàn từ Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV.

Tôi đánh giá cao vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay trong Kỳ họp thứ Nhất, bởi lẽ chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Nhất khởi đầu cho một nhiệm kỳ, với nhiều công việc lớn, phức tạp. Thời gian được bố trí phù hợp, rút ngắn xuống 5 ngày cho thấy sự linh hoạt trong xử lý các tình huống của người đứng đầu cơ quan lập pháp. Chắc chắn, Chủ tịch Quốc hội sẽ cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm của Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Sự kỳ vọng ngày càng cao của Nhân dân đối với hoạt động Quốc hội là áp lực nhưng cũng chính là động lực để Quốc hội vươn lên, hoàn thành trách nhiệm trước Nhân dân, trước đất nước. 

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội): Hoàn thiện pháp luật để đưa nền kinh tế phát triển

100% đại biểu Quốc hội có mặt đã bỏ phiếu bầu ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội Khóa XV. Điều này cho thấy sự tín nhiệm tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội đối với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Có thể nói rằng, đất nước ta đang ở giai đoạn phát triển rất quan trọng khi Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển thịnh vượng. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải tiến hành rất nhiều việc, xây dựng đất nước trên tất cả lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, chính trị, xã hội… Trong đó, việc xây dựng đất nước vững mạnh về kinh tế phải là một nhiệm vụ trọng tâm. Chúng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ phải quyết định rất nhiều vấn đề hệ trọng. Trước hết phải hoàn thiện được khuôn khổ pháp luật về một nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập, xây dựng được lực lượng kinh tế, lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực trong phát triển đất nước. Chúng ta cũng biết rằng, hiện nay hệ thống pháp luật dù đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng còn chưa hoàn thiện, vẫn còn có những xung đột, chồng chéo trong các văn bản pháp luật cũng như các quyết sách về định hướng phát triển của đất nước. Cần phải có những điều chỉnh quan trọng cho phù hợp với xu hướng của Cách mạng 4.0, hội nhập quốc tế, những thay đổi của địa kinh tế, địa chính trị và cả trong bối cảnh sẽ có những biến đổi khó lường như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu…

Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra những chính sách hợp lý cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa nền kinh tế phát triển ngày càng bền vững. Tôi tin rằng, Quốc hội Khóa XV, với sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - một nhà lãnh đạo am hiểu sâu sắc về các vấn đề kinh tế vĩ mô, có kinh nghiệm thực tiễn vô cùng phong phú với rất nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy Nhà nước - sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện thành công vai trò dẫn dắt Quốc hội trong bối cảnh cần phải có nhiều quyết sách sáng tạo, đổi mới và hướng tới sự phát triển bền vững.

ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái): Hành động quyết liệt để thực hiện lời hứa

Công tác nhân sự giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn tại Kỳ họp này đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ khi chúng ta chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, được thảo luận kỹ lưỡng tại các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đa số nhân sự được đề cử đều đã có thời gian đảm nhiệm các cương vị này từ Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV đến nay. Tôi tin tưởng, với đội ngũ cán bộ cấp cao được kiện toàn tại kỳ họp này, các cơ quan nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. 

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu cao yêu cầu Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường. Tôi cho rằng, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường cũng là một yêu cầu bắt buộc được các đại biểu đặt ra cho mình trong nhiệm kỳ này. Đem được tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực tiễn cuộc sống ở mỗi địa phương, đơn vị mình vào nghị trường cũng chính là để góp phần cùng với các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. 

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, phát biểu trước Quốc hội và Nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội cam kết sẽ cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Khi “hơi thở cuộc sống”, nhu cầu cuộc sống được đem vào nghị trường thì chắc chắn mỗi dự án luật được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được những vấn đề của cuộc sống đặt ra một cách thiết thực, đúng với đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp ở trong lĩnh vực được điều chỉnh.

Tôi tin tưởng vào lời hứa này, vì ngay từ sau khi được Quốc hội Khóa XIV bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã làm việc với từng cơ quan của Quốc hội để xác định rõ những định hướng, những nội dung cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó có nhiều đề nghị liên quan đến thực hiện các bước trong quy trình lập pháp.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Bộ máy sẽ vận hành ngay

Một nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ Nhất là công tác nhân sự. Yếu tố thuận lợi là hầu hết những người được đề cử vào các chức danh Quốc hội xem xét bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này đều đã có thời gian trải nghiệm trên các cương vị này trong gần 4 tháng qua, kể từ Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV đến nay. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội có cơ sở để kiểm chứng, cảm nhận, đánh giá khả năng của các ứng cử viên đảm nhận các vị trí này như thế nào và đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Sau khi được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tôi tin rằng lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ bắt tay ngay vào công việc; bộ máy của Chính phủ, Quốc hội sẽ vận hành được ngay mà không phải mất thời gian làm quen, sắp xếp.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ nghe, thảo luận các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, cùng các báo cáo quan trọng khác. Chúng ta thấy rằng, trong 6 tháng đầu năm vừa qua, đất nước ta trải qua hai đợt bùng phát dịch, đều vào thời điểm nhạy cảm về kinh tế nhưng chúng ta đã đạt được thành tựu nhất định trong thực hiện “mục tiêu kép” khi khống chế thành công dịch ở những địa điểm bùng phát dịch phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh…; vừa duy trì phát triển kinh tế. 

Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ được khắc phục căn cơ hơn nữa. Quốc hội sẽ thực hiện hiệu quả vai trò lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong một giai đoạn mà chúng ta đều có thể thấy rằng những tác động của đại dịch Covid - 19 sẽ còn gây ra những hệ lụy phức tạp. 

T.Chi - P.Thủy- H.Ngọc - H.Long ghi