Ban Kinh tế Trung ương triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm

- Thứ Năm, 15/07/2021, 18:30 - Chia sẻ
Ngày 15 .7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị

6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai nghiên cứu để tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với 63 nội dung, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan. Các ý kiến thẩm định, tham gia của Ban Kinh tế Trung ương nhìn chung có chất lượng, thể hiện quan điểm rõ ràng, qua đó giúp các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền có thêm cơ sở xem xét, quyết định, nhất là các vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất, công tác theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tiếp tục được Ban quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Thông qua theo dõi, giám sát, Ban Kinh tế Trung ương đã phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế, xã hội, từ đó kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để các chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời thông tin, trao đổi để các cơ quan chức năng kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì xây dựng 7 đề án trình BCH Trung ương Khóa XIII và trình Bộ Chính trị trong năm 2021; gần đây Ban tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị Khoá XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để trình Bộ Chính trị trong quý I.2022. Có thể thấy, đây là một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế cũng như những thách thức cần được nhìn nhận, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động của Ban, nhất là việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các chương trình khảo sát, làm việc tại các địa phương, đơn vị; nguồn nhân lực của Ban (cả nhân lực và vật lực) hạn chế, trong khi đó phải triển khai đồng thời cùng lúc nhiều Đề án lớn nên sẽ gặp nhiều khó khăn; hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu còn thiếu...

Để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị trong 6 tháng cuối năm, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và có kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Ban Kinh tế Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, cần dành sự ưu tiên cao nhất cho việc triển khai xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị năm 2021, đặc biệt là Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (trình Hội nghị Trung ương 4).

Các cán bộ trong Ban tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Ban những vấn đề mới, những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy, kiện toàn cấp ủy Đảng đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Trong điều kiện biên chế còn hạn chế, cần nghiên cứu, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, huy động đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý, tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Các vụ, đơn vị trong Ban tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp; giữa Ban với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, chuyên gia... Ngoài việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cần phải phát huy mạnh mẽ chức năng kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng. Từ đó, kịp thời tham mưu Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã được ban hành.

Minh Hương