Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:

Băn khoăn quyền của doanh nghiệp bảo hiểm

- Thứ Hai, 25/10/2021, 23:10 - Chia sẻ
Thảo luận Tổ về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sáng 25.10, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đều tán thành với việc sửa đổi Luật, thống nhất với dự án Luật, Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra; đánh giá cao việc các cơ quan, nhất là Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo dự án Luật này. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn về quyền của doanh nghiệp bảo hiểm; bảo hiểm vi mô hay quản lý nhà nước về hoạt động này...

Bảo vệ quyền lợi cho người tham gia 

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, đã có nhiều tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô của nền kinh tế, góp phần bổ sung vốn cho nền kinh tế, giải quyết việc làm, giúp cho nhiều đối tượng thu nhập thấp có thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, 20 năm qua đến nay, luật có nhiều bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ với các luật mới bổ sung, sửa đổi (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…). Chất lượng bảo hiểm, chất lượng tư vấn của nhà đầu tư chưa đa dạng, phong phú, nhiều hoạt động chưa bảo đảm, vì vậy cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật; đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, phần giải thích từ ngữ thế nào là “bảo hiểm nhóm” theo điều 4 cần rõ ràng hơn. Về quyền của doanh nghiệp bảo hiểm theo Điều 17 tại Điểm e, cho phép doanh nghiệp “yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm, do người thứ ba gây ra đối với tài sản, lợi ích kinh tế, nghĩa vụ theo hợp đồng, nghĩa vụ theo quy định pháp luật và trách nhiệm dân sự”, nên sửa đổi từ “người thứ ba” sang “bên thứ ba” cho phù hợp với Điều 56, 57, 58, 59, 60 tại mục 4, chương II dự thảo Luật cho phù hợp.

Cho ý kiến về Chương 4 “Bảo hiểm vi mô”, các đại biểu cho rằng, đối tượng tham gia nhiều, kể cả các hộ dân vùng sâu, vùng xa cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, những nội dung trong chương 4 còn chung chung, đề nghị làm rõ hơn quy định “quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm vi mô chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản về tính mạng, sức khỏe, thương tật và tài sản của người tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm không quá 5 năm...”

Cho ý kiến vào Điều 14 về nội dung hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông băn khoăn quy định tại Khoản 2. Theo đó, “ngoài những nội dung quy định Khoản 1 Điều 14, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận”. Bởi đối với bảo hiểm nhân thọ, có rất nhiều tùy chọn, ngoài ra có rất nhiều nội dung người dân ghi thêm vào và công ty bảo hiểm có nhiều thuật ngữ khó hiểu. Do đó, đề nghị bổ sung thêm “những nội dung này không trái với khoản 1 Điều 14” để bảo vệ người dân trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Nên xã hội hóa việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ...

Về quản lý nhà nước, theo quy định tại Điều 151, Điểm k, Khoản 2, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có nhiệm vụ “tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm”

Đối với quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Chương 7, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho rằng, nên có quy định cụ thể ở cấp tỉnh, vì đây là cơ sở để tập trung triển khai việc kinh doanh bảo hiểm; bảo đảm quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện; đề nghị ban biên soạn bổ sung rõ hơn về cấp tỉnh, huyện.

Góp ý Điểm k, khoản 2, Điều 151 của Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, việc quy định giao cho Bộ Tài chính “tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm” là không cần thiết. Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Thông đề nghị nên giao cho các tổ chức nghề nghiệp và có chế tài xử lý khi vi phạm, nhằm tránh đi ngược lại với chủ trương tinh giản biên chế.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng, nếu giao hết cho Bộ Tài chính việc “tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm” thì không phù hợp, đồng thời thêm nhiều việc cho Bộ Tài chính. Theo đó, ông Đặng Hồng Sỹ đề nghị nên xã hội hóa việc này, Bộ Tài chính chỉ tập trung ban hành các chính sách, quản lý, điều tra, thanh tra việc kinh doanh bảo hiểm.

Về quy định thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường tại Điều 28 “Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày…”, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị nên nâng lên 30 ngày để doanh nghiệp nắm thêm thông tin nhằm giải quyết bảo hiểm được đảm bảo hơn. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành còn hạn chế về mặt quản lý nên cần sửa đổi, bổ sung. Việc sửa Luật phải bảo đảm khi Luật được ban hành phải quản lý chặt chẽ được việc kinh doanh bảo hiểm. Tránh việc, có doanh nghiệp khi quảng bá sản phẩm thì đưa ra lời mời gọi tốt, khi thực hiện thì không đúng như quảng bá; trong khi người dân hiểu luật, nắm luật còn hạn chế nên khi xảy ra vụ việc cần bảo hiểm hoặc tranh chấp thì thua thiệt cho người dân; nhà nước nên tăng cường quản lý việc này.

Đức Kiên