Lắm cơ quan, nhiều thủ tục

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 06:50 - Chia sẻ
Điều 103, 104 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 8 - 14 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục từ khi phát hiện người nghiện đến khi đưa họ vào cơ sở cai nghiện phải trải qua 14 bước với 5 cơ quan liên quan. Quy trình này kéo quá trình giải quyết phức tạp, nhiều công đoạn, gây áp lực cho chính cơ quan quản lý.

Phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, trong quá trình xây dựng văn bản, những quy định trên đã không tính hết đặc thù của người nghiện khi giao cho 1 tổ chức xã hội quản lý trong thời gian lập hồ sơ.

Thực tế không có tổ chức xã hội nào có khả năng quản lý người nghiện vì họ lệ thuộc vào ma túy, không kiểm soát được hành vi. Đặc biệt, nhiều người có nhiều tiền án, tiền sự, có thái độ bất hợp tác, chống đối quyết liệt, côn đồ, hung hãn. Đó là chưa kể đến, khi bị quản lý, không được sử dụng ma túy thường xuất hiện "hội chứng cai", "đói ma túy" hoặc "phê ma túy, ngáo đá", rất dễ xảy ra hành vi nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người khác. Ở góc độ y tế thì thấy, giải pháp này đã chưa nhìn nhận vấn đề ở góc độ giảm dần sự lệ thuộc của người sử dụng ma túy, mà chỉ xem xét ở góc độ "đưa khỏi môi trường sử dụng" với các giải pháp thuần túy mang tính chất hành chính.

Hơn nữa, việc lần lượt chuyển hồ sơ để xem xét đến đủ 5 cơ quan (công an cấp huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án, Viện Kiểm sát), mỗi cơ quan được quy định từ 3 - 5 ngày để thụ lý hồ sơ vụ việc. Chỉ cần 1, 2 cơ quan thấy chưa đầy đủ, trả lại hồ sơ cho cơ quan trước bổ sung đã làm "lê thê" thời gian đưa một người sử dụng ma túy đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bước cuối cùng là Tòa án quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện; và trong vòng 3 ngày, Công an và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm đưa người vào cơ sở cai nghiện. Chính vì thế, nhiều người nghiện khi ra khỏi tòa án đã trốn khỏi nơi cư trú, không chấp hành quyết định của tòa án.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cải tiến quy trình; xem xét, bỏ một số quy định không cần thiết. Cụ thể, nên thành lập một dạng Hội đồng Tư vấn của các cơ quan hành pháp cấp huyện trước khi chuyển đến tòa án thay vì gửi “vòng vèo” lần lượt từng cơ quan. Thường trực Hội đồng tư vấn chuyển hồ sơ cho các cơ quan rồi tổ chức họp Hội đồng. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết tại các cuộc họp hội đồng. Liên quan đến đề xuất này, hiện một số địa phương đã vận dụng thực hiện mô hình này, đã rút ngắn trình tự hồ sơ xuống còn 10 - 12 ngày so với việc kéo dài hàng tháng như quy định hiện nay. Ngoài ra, nên bỏ quy định thông báo, tổ chức cho người nghiện và gia đình đọc hồ sơ vì không cần thiết, tránh được tình trạng họ bỏ trốn. Các cơ quan hành pháp, tư pháp cấp huyện hoàn toàn có đủ trình độ, khả năng, tính trách nhiệm xem xét tính pháp lý của hồ sơ (vốn không phức tạp). Mặt khác, người nghiện khi đến tòa án, họ cũng được nghe công khai các vấn đề của hồ sơ và có ý kiến biện minh của mình.

Nguyễn Minh