Không chỉ dừng lại ở kiến nghị thi hành

- Chủ Nhật, 10/01/2021, 03:07 - Chia sẻ
Thời gian qua, số lượng văn bản của cơ quan thi hành án dân sự kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2017 kiến nghị xử lý đối với 14 vụ việc; năm 2018 kiến nghị 13 vụ việc; năm 2019 kiến nghị 71 vụ việc và năm 2020 là 201 vụ việc.

Điều này cho thấy, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều tích cực trong việc theo dõi thi hành án hành chính. Trong đó, công tác báo cáo, thống kê về thi hành án hành chính ở địa phương được các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc đáp ứng yêu cầu công tác thống kê, báo cáo về thi hành án hành chính hàng năm của Bộ Tư pháp, Chính phủ.

Tuy nhiên, công tác theo dõi thi hành án hành chính vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đi sâu về nội dung vụ việc thi hành án hành chính, dẫn đến việc thực hiện trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính còn mang tính hình thức; chưa phát huy tối đa hiệu quả thúc đẩy kết quả thi hành án hành chính. Nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa chủ động báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn không chấp hành án hành chính.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP cho thấy, đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành án hành chính. Chẳng hạn, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về trình tự, thủ tục thi hành bản án hành chính của Tòa án có nội dung bác/không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Có ý kiến cho rằng: Cơ quan hành chính nhà nước phải nộp đơn yêu cầu Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính và Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với bản án có nội dung bác/không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp lại quan điểm: Yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính là quyền, không phải nghĩa vụ bắt buộc của người được thi hành án. Vì vậy, không có cơ sở buộc cơ quan nhà nước bị kiện phải nộp đơn yêu cầu Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án ra quyết định buộc thi hành án đối với bản án có nội dung bác/không chấp nhận yêu cầu khởi kiện trước khi tổ chức thi hành quyết định hành chính mà các cơ quan này đã ban hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổ chức theo dõi thi hành án. 

Hay, Điều 34, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Trong đó, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp trong thi hành án hành chính, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ quan giúp việc cho UBND các cấp về quản lý công tác thi hành án hành chính. Chính vì thế, mỗi địa phương thực hiện theo một phách, nơi thì giao cho Cục Thi hành án dân sự; nơi thì Sở Tư pháp; có địa phương lại giao cho Văn phòng UBND. Điều này dẫn đến không thống nhất và ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và công tác thi hành án hành chính nói riêng.

Từ thực tiễn này, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật thi hành án hành chính cần nghiên cứu quy định bổ sung biện pháp phạt tiền trong thi hành án hành chính bên cạnh chế tài kỷ luật đã được quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quy định về xử lý trách nhiệm đối với UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không chấp hành án hành chính.

Phạm Hải