Bãi trông gửi xe vẫn trong quy hoạch bị treo

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:21 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia về kiến trúc đô thị, diện tích đất dành cho giao thông của Thủ đô Hà Nội phải đạt tối thiểu từ 20 - 26%, trong đó đất dành cho bãi đỗ xe thông thường phải đạt tối thiểu 3%. Tuy nhiên, theo thống kê đến hết năm 2020, đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt 10,07% và đất dành cho bãi đỗ xe mới đạt 0,3%.

“Bát nháo” điểm trông giữ xe

Sở Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị thành phố nên cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao UBND các quận, huyện quản lý.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện số phương tiện giao thông ở Thủ đô đã lên đến hơn 5,9 triệu, riêng ô tô là 600.000 phương tiện và vẫn tiếp tục tăng. Ðiều đáng nói, hiện nay diện tích giao thông tĩnh mới đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu của người dân, 90% còn lại, người dân tìm đến các điểm đỗ xe tạm thời, các vị trí công sở, sân cơ quan, khu đô thị, lòng đường, vỉa hè và một số bãi đất dự án chưa sử dụng. Và có cầu ắt sẽ có cung.

Có thể thấy ở Hà Nội là từ sân công sở, trường học, hè phố, lòng đường, các bãi đất trống của dự án chưa triển khai, gầm cầu vượt, thậm chí là Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, sân đền chùa… cũng trở thành nơi trông giữ ô tô và xe máy. Việc trông giữ này đa phần là tự phát, tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ mất an toàn giao thông, phức tạp an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Người dân dù nhận thức được, nhưng do cung quá lớn mà cầu thì “nhỏ giọt”, nên dẫu biết rủi ro về phía mình, biết là vi phạm, biết là bị “chặt chém”, nhưng cũng đành chấp nhận, bởi khó còn sự lựa chọn nào khác. Chị  Nguyễn  Thanh  Thủy, Cầu  Giấy, Hà  Nội  cho  biết, chị  gửi  xe  trong  trường  mầm  non gần nhà với  giá  1,2 triệu đồng/tháng không  có  mái  che. Tuy  nhiên, thi  thoảng lại được thông báo tìm chỗ gửi xe khác, vì nhà  trường chuẩn bị  đón  đoàn  kiểm  tra. Trường hợp của chị Thủy còn khá may mắn so với nhiều người khác khi tìm được chỗ  gửi xe gần nhà, giá cả phải chăng. 

Đại diện Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, tuy là doanh nghiệp nhà nước duy nhất về lĩnh vực trông giữ xe, nhưng cũng chỉ có thể trông giữ xe khoảng gần 1% thị phần. Trên địa bàn hiện có khoảng 40 đơn vị khác được Sở Giao thông Vận tải cấp phép, nhưng cũng chỉ trông giữ xe chiếm khoảng 7% thị phần, còn lại là do hàng nghìn cá thể tự phát thực hiện dịch vụ trông giữ xe thu tiền.

Đại diện Thanh tra Giao thông Hà Nội nêu vướng mắc, Quyết định 41/2016/QĐ-UB Thành phố giao cho UBND cấp quận có quyền cấp phép và quản lý các điểm trông giữ xe trên vỉa hè, trong khu dân cư; còn UBND thành phố cấp phép và quản lý đỗ và trông giữ xe dưới lòng đường. Chính vì thế, khó xử lý vi phạm trên vỉa hè và các bãi đỗ xe trên vỉa hè và trong khu dân cư. Hơn nữa, việc thành phố quy định thu phí trông giữ xe tại các quận trung tâm tính theo mét vuông, nên xảy ra tình trạng thất thu khi cá nhân và doanh nghiệp xin cấp diện tích nhỏ để nộp tiền ít, nhưng thực tế trông giữ xe lại tràn ra ngoài diện tích được cấp phép, thu tiền bỏ túi.

Những trường hợp này, khi bị kiểm tra thì “ứng phó”, hoặc chấp nhận bị phạt, khi lực lượng chức năng đi khỏi thì xe lại tràn ra chiếm dụng lòng đường vỉa hè, thu tiền vượt quy định, người đi bộ không có lối phương tiện tham gia giao thông bị cản trở, điển hình như đang xảy ra quanh các bệnh viện như Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn…

Xe đỗ hết trên hè nên người đi bộ đành đi dưới lòng đường
Nguồn:  ITN

Quy hoạch… nằm trên giấy

Từ năm 2003, Ðồ án quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 165/2003/QÐ-UBND, song mới chỉ dừng lại ở mức độ xác định chỉ tiêu và dự báo tổng nhu cầu quỹ đất dự kiến dành cho điểm đỗ xe. Các chuyên gia giao thông đánh giá, Ðồ án chưa có quy hoạch chi tiết, nên muốn kêu gọi đầu tư sẽ mất nhiều thời gian khi phải lập quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết... Đến năm 2008 mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt vào năm 2011, chức năng một số vị trí đã được chuyển đổi và từ đó không tính đến xây dựng bãi đỗ xe.

Cho đến cuối năm 2018, HÐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, về quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe với tổng diện tích 1.197,8 ha. Trong đó có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất.

Tuy nhiên, cho đến nay, các quy hoạch vẫn chủ yếu nằm trên giấy. Đơn cử, tại 4 quận trung tâm Thủ đô theo quy hoạch: Hoàn Kiếm 72ha, Hai Bà Trưng 72ha, Ðống Ða 9ha, Ba Ðình 12ha, nhưng đến nay tại quận Hoàn Kiếm mới có một số nhà đầu tư đăng ký dự án bãi đỗ xe ngầm nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai.

Thực tế, để thu hút đầu xây dựng bãi đỗ xe, UBND thành phố đã trình và được HÐND thành phố Hà Nội thông qua một số chính sách như: Hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho dự án; hỗ trợ 100% tiền thuê đất bãi đỗ xe trong 10 năm đầu; nhà đầu tư được sử dụng tối đa 30% diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án để khai thác thương mại... Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiến nghị thu hút nhà đầu tư bằng cách cho phép được bán một số vị trí đỗ xe ngầm, xây dựng cơ chế giá trông giữ xe được xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở kiến nghị.

Từ Thức