50 năm Chiến thắng đường 9 - Nam Lào (23.3.1971 - 23.3.2021)

Bài học về nghệ thuật lập thế trận

- Thứ Hai, 22/03/2021, 06:27 - Chia sẻ
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 giành thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa chiến lược và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự, trong đó nghệ thuật lập thế trận chiến dịch là một nét đặc sắc tiêu biểu, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nghệ thuật lập thế trận chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là tổng thể các phương pháp, biện pháp giàu tính sáng tạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh chiến dịch, người chỉ huy, cơ quan và các lực lượng tham gia chiến dịch; góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp phản công đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch, bảo vệ vững chắc hành lang vận chuyển, cơ sở hậu cần chiến lược của ta, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra sự thay đổi cục diện trên chiến trường và đánh dấu bước thất bại đầu tiên nhưng rất quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

		Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào_Nguồn: VOV.vn
Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào
Nguồn: VOV.vn

Chuẩn bị vật chất, triển khai thế trận phản công

Phát hiện đúng ý đồ của địch, cấp chiến lược đã chỉ đạo các chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên và Đường 9 - Nam Lào chủ động tổ chức, triển khai thế trận phản công chuẩn bị giáng trả các cuộc tiến công của địch. Ngay từ mùa Hè năm 1970, chúng ta đã thành lập cơ quan chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, phối hợp với Đoàn 559 gấp rút hình thành tuyến hậu cần chiến dịch, xây dựng mạng lưới giao thông tại khu vực Đường 9 bảo đảm cho các đơn vị vận tải cơ giới đẩy mạnh và hoàn thành việc vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng vào các khu vực tập kết xong trước khi chiến dịch mở màn.  

Đến tháng 1.1971, lượng vật chất đưa vào các hướng chiến dịch đã lên tới 60 nghìn tấn, bảo đảm cho 4 - 5 vạn quân tác chiến trong 3 - 4 tháng. Trên các tuyến vận tải thuộc Đoàn 559, hơn 3 vạn tấn vật chất dự trữ cũng đã được tập kết, cất giấu. Hệ thống thông tin được tổ chức chu đáo. Mạng lưới quân y được hình thành trên cơ sở các bệnh viện của Đoàn 559, của các Mặt trận Trị - Thiên (B4), Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5), của Bộ Tư lệnh Miền và các đội phẫu thuật của Cục Quân y.

Cùng với chuẩn bị vật chất, đầu tháng 2.1971, ta đã đưa Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 vào cài sẵn thế trận, tạo chốt chặn chiến dịch ở khu vực cầu Cha Ky và Điểm cao 351 cùng các lực lượng tại chỗ chặn địch tiến công, tạo thế, thời cơ cho lực lượng cơ động vào tác chiến thuận lợi. Đồng thời, Bộ Tổng tư lệnh đã điều động 10 tiểu đoàn pháo cao xạ vào Quân khu 4 nhằm tăng thêm lực lượng bảo vệ các tuyến giao thông vận tải, các mục tiêu trọng yếu và tăng cường 10 đại đội bộ đội địa phương cho các huyện ven biển Bắc Quân khu 4 sẵn sàng đánh địch tập kích đường biển.

Kết hợp thế của chiến lược với thế của chiến dịch

Để mở đầu thắng lợi và tiến tới đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch, chiến dịch đã lập thế trận liên hoàn, vững chắc, có trọng điểm, có chiều sâu và kết hợp chặt chẽ với thế trận chiến lược tạo ra, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo việc chuẩn bị và triển khai lực lượng ở khu vực Đường 9 - Nam Lào. Binh đoàn 70 khi chưa vào chiến dịch đã được bố trí ở Nam Khu 4, sẵn sàng đánh địch theo các phương án đã dự kiến và khi địch tiến công ra Đường 9, binh đoàn đã nhanh chóng cơ động triển khai đánh địch kịp thời, khiến địch không lường được là bộ đội chủ lực của ta đã xuất hiện sớm như vậy.

		Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi vào ngày 23.3.1971, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch - Ảnh: TTXVN
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi vào ngày 23.3.1971, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch
Ảnh: TTXVN

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nghiên cứu tình hình địch và địa hình nhằm lập thế trận đánh tiêu diệt lớn quân địch ở một số địa bàn trọng điểm; đồng thời chỉ đạo lực lượng tại chỗ (Đoàn 559, Mặt trận B5) nghiên cứu kỹ địa bàn để chủ động lập thế trận đánh địch. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị ở hướng tây Đường 9, Đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Lào, cùng với Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) đánh chiếm nơi địch dự kiến hợp quân hai hướng đông và tây, buộc địch phải phân tán đối phó.

Đây là sự kết hợp chặt chẽ, khoa học, phù hợp giữa thế trận liên hoàn, vững chắc của chiến dịch với thế trận có chiều sâu của chiến lược. Nhờ đó, khi địch mở cuộc hành quân quy mô lớn với nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại, nhất là về đường không vào toàn bộ địa bàn chiến dịch đều bị ta đón đánh kịp thời, hiệu quả. Chỉ tính riêng hai ngày đầu chiến dịch, ta đã bắn rơi hàng chục máy bay lên thẳng, khiến địch bất ngờ, choáng váng. Địch càng lúng túng hơn khi chủ lực ta cùng với xe tăng bất ngờ xuất hiện, đột kích vào Điểm cao 543, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn 3, tiểu đoàn pháo binh và sở chỉ huy lữ đoàn 3 địch, bắt sống toàn bộ chỉ huy lữ đoàn.

Giành và giữ vững quyền chủ động

Nắm chắc tình hình địch, chiến dịch đã tổ chức triển khai sớm thế trận phòng ngự cấp chiến thuật, hình thành được thế chốt chặn địch trên một số khu vực địa hình có giá trị để kìm giữ, ngăn chặn các mũi tiến công của địch trên các hướng chiến dịch ở khu vực Sê Pôn, Bản Đông, Điểm cao 723, Điểm cao 351, tạo lập được thế trận chốt chặn vững chắc trên các hướng, buộc địch phải triển khai ở thế bất lợi, tạo điều kiện cho các hoạt động phản công, tiến công tiêu diệt địch. 

Mặt khác, ta đã phát huy thế trận của các điểm tựa phòng ngự ở các điểm cao và tiến hành một số trận đánh để ngăn chặn, làm suy giảm tốc độ tiến công của địch, làm cho địch không thực hiện đúng thời gian đánh chiếm Bản Đông như dự định, đồng thời tạo điều kiện cho ta kịp cơ động và triển khai lực lượng, tạo hình thái chiến dịch có lợi để tiến hành các trận đánh quyết định. Sau khi địch chiếm được Bản Đông, ta đã nhanh chóng lập thế trận chốt chặn vững chắc ở Tây Bản Đông và hai bên trục Đường 9, buộc chúng phải co cụm ở Bản Đông và tạm dừng tại các điểm cao hai bên Đường 9.

Đây là biện pháp rất quan trọng để giành quyền chủ động, nét nổi bật trong nghệ thuật lập thế trận là ta đã kết hợp chặt chẽ giữa thế chốt chặn với triển khai thế trận đánh địch rộng khắp, kìm hãm toàn bộ quân địch tại Bản Đông, tạo ra thế và thời cơ thuận lợi để tập trung lực lượng bẻ gãy từng cánh quân địch.

Chuyển hóa thế trận linh hoạt

Trong cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, địch tổ chức tiến công thành ba cánh quân. Cánh quân chủ yếu tiến theo Đường 9, qua Lao Bảo bằng xe cơ giới, hai cánh quân khác đổ bộ bằng máy bay lên thẳng, chiếm một số điểm cao phía Bắc và phía Nam, lập căn cứ bảo vệ hai bên sườn cánh quân chủ yếu, tạo thế gọng kìm đánh chiếm Sê-pôn.

Để đánh bại cuộc hành quân của địch, chiến dịch đã không dàn đều lực lượng đối phó với cả ba cánh quân, mà tập trung lực lượng tiến hành cô lập trên từng hướng để bẻ gãy từng cánh quân, khiến chúng không thể hỗ trợ được cho nhau, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Ngay từ cuối tháng 1.1971, bộ đội Đặc công và lực lượng vũ trang Mặt trận B5 đánh vào phía trước, bên sườn và phía sau cánh quân phía Bắc của địch, một số đơn vị Binh đoàn 70 tích cực tạo thế vây lấn, phá tan tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Sau khi đập tan hoàn toàn cánh quân phía Bắc, chiến dịch đã chuyển hóa thế trận, tăng cường lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến phá thế địch ở Nam Đường 9, tiếp tục bẻ gãy cánh quân phía Nam. Khi cánh quân bảo vệ sườn Bắc của địch bị bẻ gãy hoàn toàn, cánh quân bảo vệ sườn Nam bị ta đánh thiệt hại nặng, lực lượng ở Bản Đông bị ta vây chặt đã buộc địch phải tung lực lượng dự bị chiến lược.

Nắm được ý đồ của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã điều Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 tổ chức các điểm tựa phòng ngự ở ngã ba Đường 18, Cầu chữ S, Cây số 27 phía Tây Bản Đông; Trung đoàn 64 cơ động về phía Tây phối hợp cùng Sư đoàn 2 giữ Sê Pôn; Trung đoàn 102 và Trung đoàn 24 vận dụng các hình thức chốt chặn và vận động tiến công, chia cắt đội hình chiến dịch của địch từ Lao Bảo đến Bản Đông...

Sự chuyển hóa thế trận linh hoạt của ta không chỉ chặn đứng các mũi, hướng tiến công của địch, mà còn tạo được thế có lợi để chuyển sang tiến công tiêu diệt lớn quân địch, làm cho địch phòng ngự ở khu vực Bản Đông hoang mang, dao động tột độ phải bỏ trận địa luồn rừng tháo chạy; ta đã chuyển hóa thế trận từ bao vây địch phòng ngự trong công sự sang cơ động truy kích địch rút chạy, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, kết thúc chiến dịch thắng lợi.

Những kinh nghiệm quý về nghệ thuật lập thế trận rút ra từ chiến dịch này có giá trị lịch sử sâu sắc, cần tiếp tục ngiên cứu, kế thừa, phát triển phù hợp với chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.  

Đại tá, TS Phạm Đình Bách - Phó Chủ nhiệm khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng