Bài học từ vụ “thổi giá” kit xét nghiệm

- Thứ Ba, 21/12/2021, 06:01 - Chia sẻ
Người dân cả nước vô cùng bức xúc trước vụ việc Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt nâng khống giá thiết bị, chi phí đầu vào để “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 và cung cấp cho các địa phương.

Với quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ làm rõ ngoài Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến còn những quan chức nào bắt tay thông đồng với Công ty Việt Á và xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội. Điều quan trọng không kém là rút ra được bài học kinh nghiệm để không xảy ra chuyện tương tự!

Bước đầu, có thể rút ra 4 bài học từ vụ việc này. Đầu tiên, không thể chỉ dựa vào đạo đức công vụ và tính răn đe của các phiên tòa, án điểm để chống tham nhũng trong đầu tư, mua sắm công. Trong khi cả nước gồng mình chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ vất vả ngày đêm nơi tuyến đầu, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì gánh nặng chi phí xét nghiệm thì vẫn có những quan chức chịu trách nhiệm bảo vệ người dân như Giám đốc CDC Hải Dương, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm… đang tâm "xà xẻo" công sản.

Vẫn biết chỉ định thầu trong đầu tư, mua sắm công là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng, nhưng 30 tỷ đồng “hoa hồng” Giám đốc CDC Hải Dương nhận từ Công ty Việt Á cho hợp đồng mua bán trị giá 152 tỷ đồng là con số ngoài sức tưởng tượng. Và bản án 10 năm tù của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm dường như không có tác dụng răn đe như mong muốn đối với Giám đốc CDC Hải Dương và với nhiều vị quan chức khác!

Bài học thứ hai là chỉ có đấu thầu công khai, minh bạch mới ngăn được tình trạng “thổi giá” trong các gói thầu mua thiết bị vật tư y tế chống dịch, rộng ra là mới chống được tham nhũng trong mua sắm công. Cho tới giờ, tất cả hợp đồng mua sắm của các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật bị nghi ngờ “thổi giá” đều là các vụ chỉ định thầu. Không thể có hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh khi chỉ định thầu! Chỉ định thầu chỉ tạo ra lợi thế cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp “thân thiết”, “sân sau” với các quan chức có quyền quyết định. Thực tế đã cho thấy, dù chỉ định thầu có được bổ trợ bằng những quy trình, thủ tục chặt chẽ tới mức nào chăng nữa cũng không thể ngăn được tham nhũng.

Tháng 9.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho việc phòng, chống dịch bệnh. Vậy thì, bài học thứ ba là ở cấp Trung ương hoặc cấp vùng, các loại vật tư, hàng hóa phục vụ chống dịch cần được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương. Trường hợp địa phương thiếu hụt mà chưa kịp thời làm thủ tục mua sắm, sự “chi viện” từ nguồn dự trữ quốc gia là cần thiết.

Cuối cùng, những vụ việc sai phạm, tham nhũng, trục lợi trong các gói thầu mua sắm thiết bị y tế bị điều tra, xử lý đã và sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và sự thận trọng của các địa phương. Bối cảnh chống dịch xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ, khẩn cấp, vật tư y tế có thể thiếu hụt nhanh khi số lượng bệnh nhân tăng đột biến đòi hỏi phải thực hiện thủ tục mua sắm nhanh hơn. Mặt khác, các địa phương lại phải thận trọng để phòng ngừa rủi ro vi phạm các thủ tục đấu thầu, mua sắm. Để xử lý thách thức không nhỏ này, các địa phương phải đặc biệt chú trọng công tác lập kế hoạch và cập nhật thông tin sát sao về diễn tiến dịch để chủ động mọi nguồn lực.

Bên cạnh đó, cơ quan tài chính, cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương cũng cần sẵn sàng hỗ trợ cơ sở y tế trong việc thực hiện các thủ tục. Điều này bao gồm việc thống nhất hướng dẫn về thủ tục thực hiện, tham gia hỗ trợ thông tin, hỗ trợ chuyên môn trong tất cả các khâu của tiến trình đấu thầu, mua sắm dù là chỉ định thầu hay đấu thầu cạnh tranh. Sự tham gia của các bên, đặc biệt là ngành tài chính, bảo hiểm xã hội sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời đẩy nhanh tiến trình mua sắm công đáp ứng tình huống cấp bách.

Hà Lan