Bài học không bao giờ cũ

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 03:58 - Chia sẻ
Là huyện đầu tiên của cả nước có 100% số xã, thị trấn đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, Hải Hậu (Nam Định) được xem là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới. Đa phần tiêu chí về nông thôn mới được huyện Hải Hậu hoàn thành xuất sắc, về đích sớm hơn rất nhiều địa phương khác dẫu xuất phát điểm của huyện này cũng như nhiều địa phương khác: Nông nghiệp manh mún, tiểu thủ công nghiệp cũng như các dịch vụ ngành nghề khác đều thuộc diện chậm phát triển.

Năm 2009, huyện Hải Hậu được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2010, tình hình ở Hải Hậu chưa có nhiều chuyển biến khả quan, bình quân các xã trong toàn huyện mới đạt 7/19 tiêu chí, còn 28/35 xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 20,2%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao (11,17 %). Vậy nhưng, đến hết năm 2014, toàn huyện đã có 100% xã, thị trấn (35/35 xã, thị trấn) đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, được UBND tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thậm chí, đến năm 2017, Hải Hậu là một trong 4 huyện của cả nước tiếp tục được Trung ương lựa chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguồn lực nào giúp Hải Hậu làm được điều đó? Chắc chắc không phải dựa vào ngân sách nhà nước, bởi Nam Định là tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, phải khác khai thác nội lực từ chính cộng đồng dân cư mà ra.

Với những cách làm hiệu quả, sáng tạo, tổng hợp sức mạnh của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, Hải Hậu đã phát huy mọi nguồn lực về đất đai, tài chính, nhân lực, khoa học - công nghệ và các giá trị văn hóa. Giai đoạn từ năm 2011 - 2019, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt gần 22.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm trên 26%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác.

Các xã, thị trấn, thôn, xóm và người dân nông thôn chủ động, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hải Hậu đã vận động được hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công các công trình đầu tư cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng. Huy động nhân dân đóng góp trên 345ha đất nông nghiệp, 25ha đất ở để làm đường giao thông, góp trên 150.000 ngày công lao động. Tỉnh Nam Định và huyện Hải Hậu cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, tạo việc làm cho người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động…

Đặc biệt, với phương châm “gia đình là cơ sở, thôn xóm là hạt nhân”, Hải Hậu đã ban hành bộ tiêu chí “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”, để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường, nếp sống văn minh. Bí thư Chi bộ và Trưởng xóm là những người được giao trực tiếp đánh giá, giám sát. Huyện cũng thống nhất và có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng động viên các xóm.

Khác với nhiều địa phương, khi triển khai chương trình nông thôn mới sẽ lập kế hoạch rồi triển khai xuống người dân, thì ở Hải Hậu lại căn cứ vào chủ trương, lấy ý kiến người dân “cần gì, mong muốn gì, làm thế nào để thực hiện” rồi tổng hợp, chọn mô hình tốt nhất để triển khai. Nói cách khác là "làm từ nhà ra ngõ, từ người dân đến tập thể", lấy lợi ích của người dân là trung tâm.

Chính sự tham gia, làm chủ của người dân và cộng đồng đã đưa chương trình xây dựng nông thôn mới của Hải Hậu đi đúng trọng tâm, trọng điểm, trở thành kinh nghiệm quý trong phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra sôi động, tạo bước phát triển đột phá cho nông thôn, nông dân cả nước. Đó cũng là bài học không bao giờ cũ cho các địa phương khác học tập.

Duy Anh