Giám sát việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất

Bài cuối: Xây dựng các mô hình sản xuất điển hình, bền vững

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 06:21 - Chia sẻ
UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện từng nội dung chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành bảo đảm xuyên suốt trong quá trình thực hiện; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá thực chất hiệu quả, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất điển hình, bền vững; Ban Dân tộc tập trung tham mưu, xây dựng quy chế phối hợp, phát huy vai trò cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh.

Đó là những yêu cầu Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh qua đợt giám sát mới đây về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Đại diện UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh
Ảnh: Văn Quyết

Chưa đánh giá hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang cũng nhận thấy: Việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn những bất cập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của chính sách đôi khi chưa có sự tập trung cao, còn ỷ lại, trông chờ vào các cơ quan chuyên môn cấp trên. Việc tham mưu, đề xuất giao chi tiết kế hoạch vốn hàng năm của một số chương trình, dự án, địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chính sách ở một số địa phương một số bước thực hiện còn lúng túng (việc áp dụng cơ chế đặc thù, đấu thầu qua mạng); năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến phụ thuộc vào nhà thầu.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hoạt động giám sát cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ. Việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa triệt để. Trong sơ kết, tổng kết hàng năm chưa đánh giá mức độ hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất để nhân ra diện rộng; vẫn còn một số mô hình hỗ trợ sản xuất chất lượng cây, con giống kém hoặc chưa rõ nguồn gốc, chưa phát huy được hiệu quả thiết thực.

Trước đó, làm việc với Ban Dân tộc tỉnh, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư còn hạn chế; công tác lựa chọn nhà thầu còn nhiều bất cập, việc chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư còn chưa tốt, còn nhiều công trình được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả… Tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đoàn giám sát cũng nhận thấy hạn chế trong việc đánh giá hiệu quả của các mô hình hỗ trợ sản xuất, các vấn đề phát hiện qua kiểm tra chưa được khắc phục triệt để…

Bảo đảm xuyên suốt trong quá trình thực hiện

Khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện từng nội dung chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành bảo đảm xuyên suốt trong quá trình thực hiện; phân bổ kịp thời nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện chương trình.

Cùng với đó, cần chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách. Cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện chính sách; hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá việc tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập, đề ra biện pháp, giải pháp, chủ trương khắc phục kịp thời. Đồng thời, kiến nghị với cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, thay thế quy định không phù hợp, tạo điều kiện cho cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, từ đó rút ra kinh nghiệm và đánh giá thực chất hiệu quả đem lại; tập trung xây dựng các mô hình sản xuất điển hình, bền vững... Ban Dân tộc tỉnh tập trung tham mưu, xây dựng quy chế nhằm tăng cường phối hợp với các sở ngành, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin báo cáo và bảo đảm phát huy vai trò của cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát toàn bộ việc thực hiện Chương trình trong giai đoạn vừa qua, nhằm đánh giá lại hiệu quả của các công trình đã triển khai...

TRẦN LY