Giám sát việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Bài cuối: Hình thành các mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:22 - Chia sẻ
Trên cơ sở những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát nhấn mạnh việc tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ; ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, chủ lực của tỉnh. Khuyến khích hình thành các mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn thực hiện chung một sản phẩm điểm cấp huyện, cấp tỉnh. Lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu tạo chuỗi giá trị…

Bên cạnh kiến nghị HĐND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, trong đó có chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP phù hợp tình hình thực tiễn của từng địa phương và định mức, tiêu chí của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021 - 2025, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cần tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ
Ảnh: Lê Trang

Tập trung những sản phẩm tiêu biểu có thương hiệu

Trước hết, quan tâm khắc phục những hạn chế trong công tác tư vấn. Cụ thể, rà soát, kiểm tra, đánh giá năng lực, loại bỏ các đơn vị tư vấn không bảo đảm năng lực tư vấn toàn diện các hoạt động của chương trình OCOP. Nghiên cứu thành lập tổ tư vấn từ các ngành của cơ quan quản lý nhà nước giúp chủ thể sản xuất hiểu biết toàn diện các hoạt động của chương trình OCOP, ưu tiên tư vấn trong tỉnh. Xây dựng hệ thống đối tác của Chương trình. Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và người phụ trách lĩnh vực OCOP các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo thực hiện Chương trình. Phân rõ chức năng nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương theo đúng quy định.

Đoàn giám sát lưu ý việc phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Không phát triển sản phẩm đại trà như thời gian qua. Những sản phẩm tiêu biểu có thương hiệu của tỉnh, mang tầm quốc gia như “Bưởi Phúc Trạch”, “Cu đơ Hà Tĩnh”... cần có giải pháp phát triển thành quy mô lớn, thương hiệu chung nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm... Rà soát định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, kết hợp với vùng nguyên liệu đủ lớn; tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, trang thiết bị công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm, kết hợp với hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo việc tiếp tục tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ thể tiếp tục phát triển sản phẩm (kể cả 1 - 2 sao) để có thể tham gia chu trình OCOP, đánh giá, nâng hạng sao kỳ tiếp theo. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm cần làm nghiêm túc, minh bạch, công tâm và khoa học, bảo đảm thực chất, sát đúng, tránh tính trạng chạy theo thành tích, số lượng.

Đoàn giám sát kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành các quy định, quy trình và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, cho các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ thể tham gia chương trình. Duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến, giao lưu thương mại giữa các tỉnh, thành; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào Chương trình OCOP. Với tiềm năng của Hà Tĩnh trong phát triển sản xuất, chế biến, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp và tích cực trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đoàn giám sát kiến nghị Bộ lựa chọn và triển khai chỉ đạo điểm của Trung ương.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, chủ lực

Về phát triển các tổ chức sản xuất, Đoàn giám sát nhấn mạnh việc khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đơn vị, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, chủ lực của tỉnh. Khuyến khích hình thành các mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn: tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện chung một sản phẩm điểm cấp huyện, cấp tỉnh. Quan tâm phát triển các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu. Lựa chọn bước đi, lộ trình thích hợp, lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới xuất khẩu tạo chuỗi giá trị. Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP được gắn kết chặt với các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của mỗi địa phương, gắn với thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã.

Bên cạnh đó, duy trì và nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý các điểm giới thiệu và bán sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, xuất khẩu để sản phẩm vùng miền được tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Đoàn giám sát cũng lưu ý việc điều chỉnh phương thức quản lý, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo hướng tăng hỗ trợ lãi suất, tín dụng, công cụ sản xuất, đất đai... hạn chế hỗ trợ trực tiếp. Trong tham mưu phân bổ nguồn vốn nông thôn mới (thực hiện Chương trình OCOP) giảm phần kinh phí quản lý, kinh phí tập huấn, đào tạo; lồng ghép các chương trình dự án và phân bổ tập trung cho một đơn vị chủ quản tránh trùng lặp nguồn lực và không hiệu quả. Kinh phí cấp thẳng cho đơn vị được thụ hưởng tránh trường hợp qua nhiều khâu, nhiều nấc. Bố trí kinh phí sự nghiệp bảo đảm cho các ngành thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm tham gia Chương trình OCOP...

THÀNH LÊ