Tháng 7 tri ân

Bài cuối: Hát mãi khúc trường ca bất tử

- Thứ Tư, 29/07/2020, 05:14 - Chia sẻ
Miền Trung tháng 7 với cái nắng đỏ rực và gió Lào thổi thốc ran rát. Ở nơi đó, những nhọc nhằn vẫn nguyên trong tà áo của mẹ; lam lũ vẫn in hằn trên đôi vai cha. Nhưng “giấu” trong cái khắc nghiệt, khốn khó là “chất vàng mười” của những con người thời đại Hồ Chí Minh - chính họ đã tạo nên một Việt Nam kiêu hùng trong mưa bom, bão đạn. Thấp thoáng những mái ngói âm dương cong vút, đêm trầm mặc với điệu hò khoan, câu ví dặm trên sông sóng vỗ mạn thuyền… Thanh âm của cuộc sống hiện tại hòa vào âm thanh của quá khứ đã tạo nên bản trường ca bất tử. Để rồi, kết thúc chuyến hành trình, chúng tôi phải thốt lên: “Thương quá miền Trung ơi!”.

Mãi mãi tuổi 20…

Chuyến xe vẫn lăn bánh đưa Đoàn chúng tôi đến với nơi: “Đất mặn, đất chua, đất cằn, đất cỗi/… Dải đất hẹp ơi, quê mình sao lận đận?/ Vất vả dặm trường, khắc nghiệt bởi thiên nhiên…”. Những câu thơ nói về miền cát trắng Quảng Bình - mảnh đất hẹp nhất của “khúc ruột” miền Trung. Cũng giống như người anh em ruột thịt Quảng Trị, dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên khắp “cơ thể” vẫn còn chi chít “vết sẹo” hàng ngày chúng ta vẫn bắt gặp như các di tích: thành Đồng Hới, lũy Thầy, hay di tích Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa…

Đi giữa cái nắng bỏng rát, anh cán bộ HĐND tỉnh Quảng Bình hơn một lần nhắc đến lời thề:“Nhằm thẳng quân thù. Bắn!” của anh Nguyễn Viết Xuân. Dù bị thương gãy tay, nhưng anh vẫn yêu cầu đồng đội cắt đứt rời cánh tay của mình để tiếp tục chỉ huy chiến đấu… Hay, lời thề của những người dân chân chất, lầm lũi nhưng rất “gan lì”: “Bám làng mà chiến đấu, bám ruộng mà sản xuất”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay chèo tay súng”. Đặc biệt, trong số đó có hình ảnh những người mẹ kiên trung “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” đã từng khiến nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên: “Gan chi gan rứa mẹ nờ/ Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai/ Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa…”.         

Một cựu thanh niên xung phong bên phần mộ các nữ anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc
Nguồn: baohatinh.vn

Song, có lẽ minh chứng rõ nhất cho lời thề này chính là địa danh mang tên đường 20 Quyết Thắng. Chính nơi đây, có một câu chuyện luôn ám ảnh trong tâm trí biết bao người về sự quả cảm, anh dũng và linh thiêng - Huyền thoại hang Tám Cô. Đó là vào một ngày mùa đông rét mướt của năm 1972, tiểu đội thanh niên xung phong gồm 8 người vì tránh bom mà mãi mãi bị chôn vùi giữa đại ngàn Trường Sơn… Và rồi, họ cứ thế “nằm im” trong lòng đất, hòa thân mình vào thiên nhiên để “ngủ” một giấc an lành chờ ngày dân tộc độc lập. Sự hy sinh của họ đã trở thành huyền thoại đẹp: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia…”.

Mang theo những nỗi niềm man mác trên tuyến Đường 20, chúng tôi về với Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khi chiều dần buông… Dừng chân tại phòng đón khách của khu di tích, Đoàn công tác được cán bộ hướng dẫn viên vừa kể, vừa thuyết minh về vùng đất Đồng Lộc. Đặc biệt là về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24.7.1968. Với chất giọng miền Trung hòa vào cảm xúc trào dâng khi kể về Đồng Lộc, hướng dẫn viên đã đưa chúng tôi trở về với không khí cam go, khét lẹt đạn bom của Ngã ba Đồng Lộc cách đây 52 năm.

Không thể nào ngăn được dòng nước mắt, ai trong chúng tôi cũng nghẹn ngào khi nghe câu chuyện về các Chị - những cô gái đang ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người nhưng vì hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng, họ đã mãi nằm lại trong vòng tay đất mẹ ở tuổi hai mươi. Khoảnh khắc các Chị hy sinh đã khắc lên trời xanh một biểu tượng cao đẹp của thế hệ trẻ, của những người phụ nữ Việt Nam một thời đánh giặc và tạo nên một Ngã ba Đồng Lộc bất tử. Đây có lẽ cũng chính là Ngã ba đặc biệt duy nhất trên thế giới, đúng như nhà thơ Huy Cận từng viết: “Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thủy triều lên xuống/… Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã/ Nhưng ngã ba Ðồng Lộc xây bằng xương máu...”.

Chiều buông, trong tiếng chuông ngân, chạm vào hàng thông vi vút trên đồi, thắp nén hương thơm cùng những nhành hoa trắng tinh khôi lên phần mộ các Chị, chúng tôi bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của những nữ anh hùng... Bước chân đi, nhưng hình ảnh của chị Tần, chị Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hà, chị Hường hay chị Rạng, chị Xuân, chị Xanh trẻ trung, tươi tắn bên dòng sông La huyền thoại như thì thầm nói cùng thế hệ hôm nay và mai sau: “Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh…”.

Thắp sáng ngọn lửa tri ân

Rời những “địa chỉ đỏ” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi lại tiếp tục đội cái nắng chang chang đặc trưng của miền Trung để về với quê hương Bác Hồ… Những tiếng xào xạc của rặng tre mang đậm hồn cốt làng quê Việt tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như muốn giữ chặt tuổi thơ đẹp đẽ, nhưng cũng đầy gian khó, nhọc nhằn của Bác. Chính nơi đây đã khởi nguồn cho một khát vọng lớn lao để cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Dù là Lãnh tụ dân tộc, bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước, nhưng Người vẫn luôn dành tìm cảm sâu đậm với nơi chôn nhau cắt rốn, tình yêu đó đã hòa quyện vào một tình yêu lớn: “Tôi xa nhà đã 50 năm rồi. Thường thì người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân được tự do…”. Những câu chuyện nhẹ nhàng mà sâu lắng đã chạm thẳng vào trái tim của mỗi người, để chúng tôi càng cảm nhận mãnh liệt hơn bao giờ hết niềm tin son sắt đối với Bác, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Rời Khu di tích trong hương sen thoang thoảng, Đoàn chúng tôi đến với Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Chung, xã Kim Liên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó thuở thiếu thời. Đứng tại nơi đã nuôi dưỡng khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của Người, chúng tôi cảm nhận rõ hơn lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khánh thành Đền: Lần đầu tiên trong cả nước, chúng ta có một nơi thờ tự tôn nghiêm cho cha mẹ và anh chị em ruột trong gia đình Bác… Đền thờ đã truyền tải sâu sắc tính lịch sử văn hóa và bản sắc dân tộc vùng quê xứ Nghệ, thể hiện sự đoàn kết, chung sức chung lòng, phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp. Nơi đây sớm trở thành điểm đến khởi nguồn cho hành trình về thăm quê Bác của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế…

Về với Nghệ An hôm nay, chúng tôi đã phần nào cắt nghĩa được vì sao một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể lần lượt đánh bại những đế quốc lớn trong thế kỷ XX, khiến cả thế giới ngả mũ, cúi đầu. Bởi, trong những năm tháng đó, chúng ta có người thầy vĩ đại của Cách mạng, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Trong chặng đường dài đó, Người đã chỉ ra rằng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”-  một câu nói thật giản dị của Bác, nhưng đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng, dân tộc ta… Càng lùi xa với thời gian, ý nghĩa tư tưởng đó của Người càng lung linh tỏa sáng.

Chiến thắng vẻ vang trong các cuộc kháng chiến trường kỳ đã minh chứng cho điều này. Nhưng, phía sau những vinh quang, vẫn còn đó là khúc hát bi thương của những thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương mình, để bảo vệ Tổ quốc… Đúng như Bác Hồ từng nói: “Họ quyết đem xương máu đắp thành một bức thành đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào… Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sỹ anh dũng của chúng ta…”.

Thấm nhuần lời dạy đó của Người, những năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân luôn thực hiện các hoạt động cụ thể trong tháng tri ân nhằm tiếp nối truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đồng thời, luôn làm theo lời dạy của Bác để xứng đáng là những nhà báo cách mạng. Hành trình tri ân dài ngày ở hai miền đất nước của Đoàn công tác Báo Đại biểu Nhân dân đã cho chúng tôi sự trải nghiệm và nhiều bài học sâu sắc về lẽ sống… Chia tay cái nắng, cái gió của miền Trung, trên chuyến xe trở về Hà Nội, nhìn về những dải cát trắng, nơi có ngàn ngàn tấm bia mộ im lặng xếp hàng, mỗi người trong chúng tôi còn nhìn thấy rõ sự nhọc nhằn lam lũ nơi: “Hai đầu doành ra/ Còn ở giữa, miền Trung ơi thắt lại/ Chiếc đòn gánh - dáng hình quê ta đấy/ Bao năm trường chịu đựng những tai ương…”.

Ghi chép của BÁCH HỢP - DIỆP ANH